Thông tin liên hệ

Chất lượng tạo thương hiệu

Thứ năm - 06/08/2020 09:35
Điện Biên là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có thể xây dựng thành đặc sản mang “thương hiệu Điện Biên” để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, quảng bá thị trường và tìm hướng xuất khẩu. Song, ngay với thị trường trong nước, nông sản Điện Biên vẫn chưa có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý nên chưa định vị được chỗ đứng. Điều đó cho thấy việc xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của Điện Biên đang là vấn đề cần được chính quyền, doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên
Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên

Gạo Điện Biên là mặt hàng nông sản có tiếng thơm ngon nhưng việc tìm chỗ đứng trên thị trường lại rất khó khăn bởi sự pha trộn nhiều loại gạo kém chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao về chất lượng gạo ăn hàng ngày, sẵn sàng mua nông sản sạch với giá cao. Nhiều du khách đến Điện Biên chỉ mong mua được gạo “chuẩn Điện Biên” để thưởng thức hương vị dẻo thơm của hạt gạo gieo cấy trên cánh đồng Mường Thanh. Nhu cầu tưởng chừng rất dễ đáp ứng ấy lại chưa thể làm hài lòng khách hàng khi nhiều loại gạo Điện Biên chưa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn về sản xuất sạch. Nắm bắt ưu điểm cánh đồng Mường Thanh thích hợp để canh tác các loại lúa gạo chất lượng thơm ngon, UBND tỉnh đã thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khôi phục thương hiệu gạo Điện Biên. Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên (huyện Điện Biên) và Công ty TNHH Safe Green đã đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân sản xuất lúa gạo theo quy trình VietGAP với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, sản phẩm gạo làm ra đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, dần khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên, gạo séng cù Nàng Hiên của Công ty TNHH Safe Green đã xâm nhập một số thị trường khó tính trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh…

Ngoài mặt hàng gạo, Điện Biên còn có chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng… đều có thể sản xuất thành hàng hóa, nâng cao giá trị khi xây dựng được thương hiệu. Để xây dựng thương hiệu bền vững, các sản phẩm phải khẳng định được chất lượng và chính chất lượng tạo nên thương hiệu, tạo niềm tin để người tiêu dùng quay lại với sản phẩm.

Vài năm gần đây, vấn đề xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản đã được chính quyền, doanh nghiệp và người dân Điện Biên chú ý bằng việc hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng VietGAP. Trong đó, việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được tỉnh quan tâm, dành nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 26 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Mới đây, Điện Biên và Quảng Ninh đã ký kết chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội cho nông sản Điện Biên thâm nhập thị trường ngoại tỉnh. Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như: Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng… có thể tự tin giới thiệu và tham gia thị trường tiêu dùng trong nước, quốc tế với nguồn gốc, tiêu chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn quá ít sản phẩm nông sản xây dựng được thương hiệu và chưa có nông sản xuất khẩu như tỉnh bạn Sơn La. Đây là vấn đề đặt ra đối với tỉnh ta cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tạo sức bật để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Thực tế, việc xây dựng thương hiệu nông sản Điện Biên vẫn mang tính chất mạnh ai nấy làm, khó đồng thuận, hợp tác xây dựng thương hiệu chung của địa phương; chưa có sự liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ. Đơn cử với sản phẩm gạo Điện Biên, mỗi đơn vị tự liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu rồi thu mua và chế biến, tiêu thụ. Cả hai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất của Công ty TNHH Safe Green và Hợp tác xã Dịch vụ Thanh Yên đều có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nếu mở rộng vùng nguyên liệu thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chưa thể đáp ứng.

Để tạo dựng thương hiệu, các sản phẩm nông sản cần được chế biến sâu, liên kết sản xuất, bám sát yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của người tiêu dùng và các thị trường định hướng tới. Với Điện Biên, trước hết cần lựa chọn một số mặt hàng nông sản có tiềm năng, thế mạnh đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, tiêu thụ. Khi nông sản có chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng sẽ tạo dựng được thương hiệu bền vững.

Nguồn tin: Hà Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây