Thông tin liên hệ

Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Thứ năm - 06/08/2020 09:37
Tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, trong đó một số sản phẩm đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm, những năm gần đây, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực.
Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên được bày bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên được bày bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh ta có cánh đồng Mường Thanh rộng trên 4.000ha, trong đó có 3.500ha sản xuất lúa chất lượng cao. Sản phẩm gạo Điện Biên từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, được người tiêu dùng cả nước biết đến. Tuy nhiên, khoảng 5 - 7 năm gần đây, gạo Điện Biên dần đánh mất lòng tin của người tiêu dùng bởi nhiều nguyên nhân như: Gạo pha trộn nhiều, thoái hóa giống, bị sản phẩm ở các địa phương khác nhái thương hiệu… Song nguyên nhân sâu xa là do các chế tài quản lý chưa thống nhất; sự kết nối, liên lạc giữa chính quyền và doanh nghiệp, hợp tác xã bị đứt gãy. Từ đó, giá trị sản phẩm đi xuống, thương hiệu gạo Điện Biên dần mai một trong lòng khách hàng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho rằng: Để xây dựng được thương hiệu cho nông sản nói chung, sản phẩm gạo Điện Biên nói riêng, bên cạnh các yếu tố như: Bao bì đẹp, tên sản phẩm nổi bật, sản phẩm được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên các kênh thông tin và có mặt tại các hội chợ xúc tiến thương mại… thì yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm đó. Khách hàng sau khi sử dụng lần đầu và muốn sử dụng tiếp mới là tạo dấu ấn, thương hiệu bền vững. Muốn có được điều đó thì chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất vào sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn: OCOP, VietGAP… Trên cơ sở quy trình kỹ thuật được thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn và các nhà đầu tư, sau đó các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức liên kết với người dân sản xuất, chế biến theo đúng quy trình.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên (huyện Điện Biên) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết với người dân sản xuất gạo chất lượng cao an toàn với vùng nguyên liệu khoảng 150ha. Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Để xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên, tôi cho rằng điều đầu tiên phải chú trọng là chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng, thơm ngon mới giữ chân được khách hàng. Với tiêu chí đó, từ ngày thành lập đến nay, Hợp tác xã cung cấp giống, phân bón, người dân sản xuất theo đúng quy trình dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã. Đầu vào ổn định, Hợp tác xã chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm tiên tiến, hiện đại, gạo thành phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm, độ dẻo, hương thơm… và được đóng gói bao bì cẩn thận. Hiện nay, sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã đã được các cơ quan chức năng công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao và đã tiếp cận được các thị trường bán lẻ lớn ở miền Bắc. Tổng sản lượng gạo bán ra thị trường đạt khoảng 500 tấn/vụ”.

Hiện nay, đa số nông sản đặc trưng được sản xuất với quy mô nhỏ, chưa thống nhất về quy trình và định hướng sản xuất. Về vấn đề này, ông Chu Văn Bách cho biết: Hàng năm, UBND huyện đều có kế hoạch, xây dựng các dự án để mở rộng vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất, song đến nay cơ bản vẫn không thực hiện được vì năng lực doanh nghiệp hạn chế, chưa thể đáp ứng với vùng nguyên liệu lớn. Để xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên, huyện Điện Biên đang xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao với quy mô, công suất lớn, có thể phủ hết vùng nguyên liệu khoảng 3.500ha ở cánh đồng Mường Thanh. UBND huyện đã đề xuất danh mục dự án và đang nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Hiện thực hóa kế hoạch này, 100% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của huyện sẽ sản xuất, chế biến chung một quy trình, chung một mẫu bao bì sản phẩm, cùng chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại. Khi đó, thương hiệu gạo Điện Biên sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn, độ phủ rộng hơn trên thị trường lúa gạo Việt Nam.

Xúc tiến thương mại là một khâu quan trọng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương. Những năm gần đây, các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đang phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là sản phẩm OCOP. Hàng năm, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng, chủ lực tại tỉnh Điện Biên; xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức đoàn doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của tỉnh tham gia các hội chợ thương mại ở các thị trường lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh Bắc Lào. Năm 2020, dự kiến tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao; 1 phiên chợ thương mại biên giới; 4 hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa; 1 hội chợ thương mại các tỉnh Bắc Lào. Được biết, từ năm 2020 Sở Công Thương sẽ từng bước ứng dụng xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử.

Nguồn tin: Phạm Trung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây