Thông tin liên hệ

Tăng cường quản lý sinh vật gây hại lúa vụ mùa

Thứ ba - 10/08/2021 08:37
Đến thời điểm hiện tại, vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh gieo cấy được 19.388,8ha/19.742ha, đạt 98,2% so với kế hoạch. Hiện trà sớm và trà chính vụ đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái, trà muộn giai đoạn tỉa dặm, đẻ nhánh, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian qua, điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo mưa rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông; cùng với đó là thời gian chuyển từ vụ đông xuân sang vụ mùa ngắn, kết hợp với một số kỹ thuật canh tác chưa hợp lý đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, trên các trà lúa một số sinh vật gây hại chính đang có diễn biến phức tạp như: Bệnh đạo ôn lá trung bình 0,5-1,5%, cao 10%, cục bộ 60% trên trà sớm chủ yếu giống Séng cù, Đài thơm. Diện tích nhiễm 276,7ha, tăng 262,2ha so với kỳ trước, diện tích phòng trừ 848ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé. Bên cạnh đó, tập đoàn rầy, sâu cuốn lá phát sinh và gây hại sớm; bệnh nghẹt rễ có diễn biến tăng mạnh, bệnh khô vằn, bạc lá vi khuẩn... đã xuất hiện, gây hại tại một số vùng.

Vụ mùa 2021, huyện Điện Biên gieo cấy 4.241,8ha, trong đó: Trà sớm trên 1.446ha hiện đang trong giai đoạn phân hóa đòng - làm đòng; trà chính vụ 2.735,5ha đang trong giai đoạn kết thúc phân hóa đòng, còn trà muộn khoảng 60ha hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Điện Biên đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, trưa chiều trời nắng thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá... phát sinh, lây lan gây hại với tổng diện tích nhiễm trong kỳ 1.354,2ha, tăng 92,4ha so với kỳ trước. Đặc biệt, có 122,4ha nhiễm nặng và diện tích phòng trừ 1.160ha.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Để chủ động quản lý sinh vật gây hại cây lúa vụ mùa tốt, Phòng chỉ đạo các xã đôn đốc người dân chủ động chăm sóc, bón thúc đón đòng hợp lý, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng và kịp thời phát hiện, phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại. Đối với bệnh đạo ôn lá đang gây hại trên một số diện tích, Phòng đã khuyến cáo người dân dừng bón phân hóa học (đặc biệt là phân đạm), không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng, luôn giữ nước trong ruộng từ 3 - 5cm; kịp thời phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể đối với các diện tích bị đạo ôn lá nặng hoặc sau phun lần 1 vẫn xuất hiện vết bệnh mới tiến hành phun thuốc lần 2 (cách lần 1 từ 5 - 7 ngày) sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole + Propiconazole (Rocksai super 525SE, Filia 525SE)... để phun trừ. Đặc biệt trên những ruộng bị nặng cần vơ bớt lá phía dưới tạo độ thông thoáng để nước thuốc tiếp xúc tốt vào vết bệnh, tăng hiệu quả phòng trừ. Với bệnh khô vằn, khi bệnh xuất hiện thì cần sử dụng một số loại thuốc chứa hoạt chất alidamycin để phun trừ. Riêng bệnh bạc lá hiện chưa có thuốc đặc trị Phòng đã khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý, không bón thừa, bón muộn phân đạm nhất là giai đoạn đón đòng; khi bệnh xuất hiện sử dụng vôi bột, tro bếp rắc để hạn chế bệnh lây lan…

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp từ giờ đến trung tuần tháng 8 tới, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn rầy lứa 6 xuất hiện và gây hại trên trà sớm, trà chính vụ, để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ sản xuất vụ năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa mùa như tập đoàn rầy, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, bệnh nghẹt rễ... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện biện pháp canh tác phù hợp như: Rút nước xen kẽ giai đoạn lúa đẻ nhánh, bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, phân kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu, đẻ nhánh tập trung; hướng dẫn nông dân chủ động phát hiện, phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”...



 

Nguồn tin: Tuyết Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây