Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (đơn vị tư vấn) cho thấy, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 222 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tiềm năng tham gia chương trình OCOP, thuộc 6 nhóm sản phẩm: Nhóm thực phẩm (142 sản phẩm); nhóm đồ uống (14 sản phẩm); nhóm thảo dược (25 sản phẩm); nhóm vải và may mặc (7 sản phẩm); nhóm trang trí và nội thất (8 sản phẩm); nhóm dịch vụ và du lịch nông thôn (26 sản phẩm). Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Điện Biên là rất cần thiết.
Mục tiêu của việc xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh truyền thống của địa phương. Trong đó, đến năm 2025 có ít nhất 90 – 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao; có 5 – 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp Quốc gia, đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc.
Đề án cũng nêu rõ chủ thể thực hiện, đối tượng hưởng thụ, sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó sản phẩm bao gồm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, du lịch có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là sản phẩm vùng miền, có lợi thế khác biệt của các địa phương…
Được biết, Điện Biên là một trong những địa phương triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm khá sớm so với các địa phương khác trên toàn quốc, ngày 30/11/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Hình thành hệ thống tổ chức; phát triển sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại. Đến hết năm 2019, Điện Biên có 26 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, với sự tham gia chương trình của 11 tổ chức kinh tế.
Tham gia ý kiến vào Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ hơn tính khả thi của các mục tiêu đề án đưa ra, trong đó mục tiêu đến năm 2025 củng cố và phát triển mới các sản phẩm OCOP, có ít nhất 90 – 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao; có 5 – 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp Quốc gia; đại biểu một số huyện đề nghị bổ sung thêm sản phẩm của huyện mình trong thời gian tới, như: bổ sung thêm sản phẩm hạt Mắc ca vào Đề án trong mục tiêu năm 2021 (huyện Tuần Giáo); mật ong Hoa ban, mật ong bánh tổ, hiện sản phẩm đã đạt 4 sao (huyện Điện Biên) phấn đấu 2021 sản phẩm đạt 5 sao. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn nêu rõ tiềm năng, lợi thế của 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh...
Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị đơn vị tư vấn đánh giá lại kết quả Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020” của Điện Biên trong đó cần nêu nổi bật, tính khả thi, hiệu quả kinh tế mang lại cho nhân dân khi tham gia sản phẩm OCOP; làm rõ hơn các nhóm sản phẩm của huyện, thị, thành phố… đồng thời, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu hoàn thiện Đề án, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nguồn tin: Tuyết Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn