Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Có hơn 8.000m2 trồng các loại đỗ, cà chua, bắp cải song những năm qua gia đình chị Ðinh Thị Oanh, thôn Ðại Thanh, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) vẫn sản xuất theo phương thức tự sản, tự tiêu. Cũng bởi vậy nông sản của gia đình chị Oanh thường gặp tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, có năm không tiêu thụ kịp phải mang về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc tại sao không tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì chị Oanh cho biết: “Ðể tham gia vào chuỗi liên kết, phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe về sản lượng, chất lượng sản phẩm. Nhưng sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nên tôi lo ngại không đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng, sợ phải bồi thường nên không có ý định tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết”.
Còn đối với anh Trần Ðăng Huy, cùng thôn Ðại Thanh, dù đã từng được mời tham gia liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất rau màu theo mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhưng anh lại từ chối với lý do ngại thay đổi phương thức sản xuất và thiếu vốn. Theo anh Huy, khi tham gia ký hợp đồng, anh phải thay đổi toàn bộ phương thức canh tác từ sản xuất đại trà sang nâng cao. Ðể có sản phẩm rau an toàn đáp ứng theo đúng hợp đồng ký kết, không những phải bỏ nhiều công sức, thời gian chăm sóc, mà chi phí đầu tư cho sản xuất sản phẩm an toàn cũng lớn hơn. Cho dù giá trị sản xuất sẽ tăng lên, nhưng chẳng may gặp phải nguyên nhân bất khả kháng, nhất là thiên tai, không đáp ứng được một trong các điều kiện trong hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ dừng hợp đồng bất cứ lúc nào. Khi đó người chịu thiệt sẽ là nông dân.
Ngại thay đổi phương thức sản xuất, lo ngại với những ràng buộc khi ký hợp đồng, nên không chỉ riêng anh Huy, chị Oanh mà qua tìm hiểu chúng tôi được biết thôn Ðại Thanh có hơn 80 hộ, trong đó trên 95% hộ làm nông nghiệp với diện tích sản xuất trên 18ha nhưng đến nay người dân trong thôn vẫn duy trì phương thức canh tác truyền thống.
Những băn khoăn của anh Huy, chị Oanh không phải không có cơ sở khi mới đây Công ty TNHH thực phẩm Safe Green (đội 5, xã Thanh An, huyện Ðiện Biên) đã thông báo sẽ không thu mua thóc vụ mùa năm 2020 của một số hộ nông dân đang tham gia liên kết với Công ty bởi lý do không đảm bảo chất lượng. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đợt mưa bão vừa qua đã làm diện tích lúa của một số hộ dân tham gia liên kết cung ứng với công ty bị gãy đổ, làm giảm năng suất cũng như chất lượng. Sau khi kiểm tra, đánh giá thực trạng, Công ty đã quyết định không thu mua sản phẩm những diện tích lúa bị đổ. Không bán được thóc như đã ký hợp đồng với Công ty cũng đồng nghĩa người dân sẽ phải bán ra ngoài thị trường với giá như lúa sản xuất đại trà trong khi công sức, chi phí đầu tư sản xuất những diện tích lúa theo hợp đồng cao hơn.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến đa số nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn sản xuất theo phương thức tự sản tự tiêu là bởi chưa có nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực để thu hút người dân tham gia liên kết. Thậm chí nhiều người dân, nhất là ở vùng cao, biên giới vẫn còn “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hỗ trợ phát triển các chuỗi nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên quy mô các chuỗi chưa lớn. Hiện nay toàn tỉnh có 19 chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm được xây dựng và xác nhận với 6 sản phẩm, bao gồm: chè, cà phê, gạo, rau, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản. Trong đó gần 40% do DN, HTX, cơ sở kinh doanh phân phối sở hữu, quản lý toàn bộ chuỗi. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm rủi ro cao, an toàn thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi chỉ đạt khoảng 2% tổng sản lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được sản xuất, tiêu thụ tại địa phương. Riêng đối với sản lượng chè cây cao, cá hồi, cá tầm được kiểm soát theo chuỗi chiếm khoảng 50% tổng sản lượng.
Bên cạnh đó, vai trò của ngành quản lý, chính quyền địa phương chưa thực sự tích cực trong thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết, có nơi còn coi đó là trách nhiệm giữa DN và nông dân; chỉ tham gia xúc tiến hay chứng kiến các lễ ký kết, còn DN và nông dân có thực hiện đúng các cam kết sản xuất theo chuỗi hay không thì chưa quan tâm giám sát. Vì vậy khi DN hay nông dân vi phạm các cam kết trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Ðây cũng là một trong những lý do làm cho mô hình liên kết giữa nông dân và DN còn mang tính hình thức, lỏng lẻo, thiếu bền vững và khó nhân rộng.
Ðược biết, để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, ngày 24/12/2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định 45/2018/QÐ-UBND về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân sẽ được hỗ trợ giống, vật tư khi tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70% - 100% tùy từng địa bàn, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ gia đình tham gia 1 dự án. Triển khai Quyết định 45, trong năm 2019 toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ gần 20 tỷ đồng, triển khai 18 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã thu hút gần 1.200 hộ nông dân tham gia. Năm 2020, dự kiến toàn tỉnh sẽ xây dựng, triển khai 15 dự án mới với tổng nhu cầu kinh phí dự kiến khoảng 8,5 tỷ đồng.
Ðể thu hút người dân tham gia sản xuất theo chuỗi, cũng như đảm bảo xây dựng mối liên kết bền vững, trước hết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Khi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, người dân và DN phải phân định rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên. Ðối với chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước, phải tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và DN thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung cam kết.
Nguồn tin: Thu Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn