Thông tin liên hệ

Vực dậy Hợp tác xã nông nghiệp

Thứ sáu - 17/07/2020 09:07
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đến nay các hợp tác xã (HTX) của tỉnh nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đang phát triển tương đối nhanh, chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, việc phát triển của HTX nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhiều HTX sau khi thành lập, chuyển đổi nhưng vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường, dẫn đến ngừng hoạt động, giải thể.
Xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) chế biến lúa gạo
Xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) chế biến lúa gạo

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), những năm gần đây, số lượng các HTX nông nghiệp phát triển khá mạnh, nhưng về chất lượng thì vẫn hạn chế. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh có 152 HTX nông nghiệp (tăng 89 đơn vị so với năm 2011). Tuy nhiên, chỉ có 133 HTX hoạt động (chưa nói đến có hiệu quả hay không); 19 HTX ngưng hoạt động và chờ giải thể. Nếu tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 44 HTX nông nghiệp đã giải thể. Tìm hiểu thực tế, trong số 133 HTX hiện đang hoạt động thì chủ yếu hoạt động cầm chừng, số HTX hoạt động có hiệu quả thực sự chiếm tỷ lệ rất ít. Thậm chí một số HTX được thành lập chỉ nhằm mục đích đạt tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ðơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), trước đây hoạt động khá hiệu quả, đem lại thu nhập đáng kể cho thành viên, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thiếu vốn, sản xuất kinh doanh không có lãi, thiếu mô hình phát triển bền vững, chậm đổi mới trong guồng quay cơ chế thị trường, cộng với sự thay đổi về cơ chế quản lý Nhà nước... khiến hoạt động của HTX này từ nhiều năm nay gặp khó khăn. Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Trước tình hình sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, HTX đã xin giải thể. Tuy nhiên, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì xã phải có ít nhất 1 HTX nên phải duy trì. Hiện nay, hoạt động của HTX chủ yếu đảm bảo tưới tiêu, bảo vệ công trình, lúa cho các xã viên; đồng thời, cung ứng phân bón, giống cho người dân khi vào mùa vụ. Vì vậy, kinh phí duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn cấp bù thủy lợi phí, một phần nhỏ nguồn thu có được từ việc cung cấp giống, phân bón, vật tư nông nghiệp. Thời gian qua, xã đã họp bàn, tìm cách vực dậy HTX, nhưng không thành công, một phần do thiếu vốn, một phần do không tìm kiếm được ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp. Vì vậy, gần đây nhất, HTX tiếp tục có đơn xin giải thể một lần nữa và UBND huyện đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế hình hình hoạt động để đưa ra quyết định.

Theo ông Trần Văn Hòa, Phó phòng Quản lý Kinh tế nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn): Không chỉ HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hưng hoạt động cầm chừng, mà còn rất nhiều HTX khác trong tình cảnh “thoi thóp”, như: HTX Quang Minh, thành lập năm 2014 tại thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) chuyên sản xuất chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp; HTX Dịch vụ chăn nuôi Tiến Thanh, đội 15, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên); HTX Gạo chất lượng cao Ngọc Châu, đóng trên địa bàn phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ... Nguyên nhân các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu là do chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh; một số HTX có quy mô nhỏ, chưa huy động được nguồn vốn để hoạt động; sản phẩm sản xuất ra hầu như chưa đăng ký chất lượng sản phẩm. Nhiều HTX còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc đăng ký để thuận lợi cho việc vay vốn. Bên cạnh đó, hầu hết HTX nông nghiệp hoạt động yếu, kém, chờ giải thể được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2003 (chưa chuyển đổi sang Luật HTX 2012). Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh chỉ có 20 HTX nông nghiệp đã chuyển đổi, đăng ký lại HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Ðiển hình, chính sách vay vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều bất cập, khó tiếp cận với vốn. Theo đó, cả giai đoạn 2011 - 2020, cả tỉnh chỉ hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ vay vốn cho 15 dự án từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số vốn vay là hơn 2,1 tỷ đồng; giải ngân 17 dự án từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh với số vốn vay là 2,4 tỷ đồng; 3 HTX vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương với số vốn vay là 1,7 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Thành, từng là Giám đốc HTX nông nghiệp Quang Trung (bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà) cho biết: HTX được thành lập năm 2014, hoạt động chính là mua bán sản xuất thức ăn chăn nuôi, thu mua chế biến nông, lâm sản. Lúc mới đi vào hoạt động doanh thu hiệu quả cao, trung bình mỗi năm đạt từ 1,8 - 2 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên khó khăn lớn nhất của HTX là thị trường tiêu thụ, quỹ đất để thực hiện các dự án, cũng như việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Do khó khăn tiếp cận chính sách ưu đãi nên hoạt động của HTX ngày càng khó khăn, dẫn đến ngừng hoạt động, đến nay HTX đã xin giải thể.

Cùng với vốn, chính sách thì về đất đai cũng được nhiều HTX phản ánh rất ít được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Theo quy định của Chính phủ, các HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời gian thuê đối với HTX nông nghiệp dùng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, nhà kho và các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và làm muối. Thế nhưng, thực tế trong giai đoạn 2011 - 2020, trên toàn tỉnh chính sách giao đất, cho thuê đất, hiện mới có 3 HTX nông nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích hơn 2.800m2; 2 HTX được thuê đất sử dụng để sản xuất, kinh doanh với diện tích hơn 23.700m2... Nguyên nhân được cho rằng, hầu hết các HTX chưa xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, chưa có báo cáo tài chính, không có tài sản thế chấp hoặc quyền sở hữu tài sản trên đất chưa đảm bảo tính pháp lý, tổ chức tín dụng chưa tin tưởng với mô hình HTX nông nghiệp vì mang tính rủi ro cao (hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh...) cho nên các HTX nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước ban hành còn chậm, hướng dẫn triển khai thiếu đồng bộ; một số chính sách chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành nên còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với các tỉnh miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

Nguồn tin: Quốc Huy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây