Thông tin liên hệ

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết

Thứ sáu - 05/06/2020 10:08
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND (Quyết định số 45), năm 2019 toàn tỉnh thu hút được 19 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 8/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ 2 huyện: Nậm Pồ và Ðiện Biên Ðông). Trong đó 13 dự án liên kết trong lĩnh vực trồng trọt và 6 dự án liên kết lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản, với trên 1.100 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí được hỗ trợ trên 23 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45 đã hình thành nhiều liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm.  Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Xương thu hoạch lúa mùa năm 2019.
Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 45 đã hình thành nhiều liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Xương thu hoạch lúa mùa năm 2019.

Ông Trần Văn Phương, Phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Các dự án được triển khai trên cơ sở kết quả khảo sát về tiềm năng, lợi thế của từng địa phương như: Dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở huyện Ðiện Biên; dự án trồng cây ăn quả tại 2 huyện Mường Ảng, Tuần Giáo; sản xuất chè ở Tủa Chùa; sa nhân ở Mường Nhé và các dự án chăn nuôi - thủy sản thực hiện tại TP. Ðiện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và huyện Ðiện Biên. Sau 1 năm triển khai, các dự án đã hình thành nhiều liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Gạo Séng cù, Bắc thơm số 7; chè; cá rô phi đơn tính; rau an toàn; chanh leo, xoài Ðài Loan... góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự án. Các dự án liên kết đã mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất. Ðồng thời, trình độ sản xuất của người dân, trình độ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã và năng lực cán bộ làm nông nghiệp được nâng cao, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Năm 2019, huyện Ðiện Biên triển khai thực hiện 5 dự án sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 45, gồm: 3 dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại các xã: Thanh Yên, Thanh An, Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh Hưng và 2 dự án nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng bè tại hồ Hồng Khếnh (xã Thanh Hưng) và hồ Pá Khoang, xã Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ).

Bà Ðặng Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên cho biết: UBND huyện đã lựa chọn xây dựng được 5 liên kết sản xuất với sự tham gia của 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và 314 hộ dân trên địa bàn. Dự án được thực hiện dựa trên hợp đồng liên kết giữa “3 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Doanh nghiệp, hợp tác xã là đơn vị chủ trì dự án, hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho các hộ dân (tạm ứng) để thực hiện dự án. Các hộ dân thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật và quy định về chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân tham gia; mẫu sản phẩm được cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp đánh giá về năng suất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu cho thấy hiệu quả và đang được nhân rộng. Ðối với các dự án sản xuất gạo, năng suất bình quân đạt 62,8 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với mục tiêu dự án. Sản phẩm gạo thành phẩm được tiêu thụ tại các thị trường lớn như: Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Nam. Dự án nuôi cá rô phi đơn tính, sản phẩm đạt 0,7kg/con, tăng 0,1kg/con so với mục tiêu dự án, được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh.

Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Năm 2019, xã Thanh Hưng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên tổ chức 2 dự án liên kết sản xuất theo Quyết định số 45, trong đó: 1 dự án về sản xuất lúa gạo và 1 dự án nuôi cá rô phi đơn tính trong lòng hồ Hồng Khếnh. Hai dự án rất phù hợp đối với người dân trên địa bàn bởi xã Thanh Hưng đang triển khai dồn điền đổi thửa và xây dựng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó, xã Thanh Hưng cũng có diện tích mặt nước khá lớn, nhiều hộ dân phát triển nuôi thủy sản nên mô hình tại hồ Hồng Khếnh giúp người dân tham gia có thêm kiến thức và kinh nghiệm.

Theo kế hoạch, năm 2020, toàn tỉnh dự kiến triển khai thêm 15 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng kinh phí khoảng 8,5 tỷ đồng, gồm 12 dự án liên kết trồng trọt, 3 dự án liên kết chăn nuôi. Ðồng thời tiếp tục thực hiện 9 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 (7 dự án trồng trọt và 2 dự án thủy sản). Ngoài ra, triển khai thực hiện một số nội dung hỗ trợ khác theo quy định tại Quyết định số 45 như: Tiêm phòng, thụ tinh nhân tạo cải tạo đàn bò, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ chăm sóc hoa ban...

Nguồn tin: Tin, ảnh: Phạm Trung

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây