Thông tin liên hệ

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

Thứ ba - 16/03/2021 05:38
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc nhưng hiện nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản lượng, giá trị sản phẩm còn thấp. Ðể khắc phục tình trạng manh mún, hướng tới phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại.
Cán bộ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra mô hình nuôi nhốt gia súc của người dân trên địa bàn xã Háng Lìa.
Cán bộ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra mô hình nuôi nhốt gia súc của người dân trên địa bàn xã Háng Lìa.

Ðiện Biên Ðông là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi, như: Hỗ trợ trồng cỏ, con giống, chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh… Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ thực hiện 115 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo về chăn nuôi. Theo đó, tổng số gia súc được hỗ trợ gần 3.100 con cho gần 3.800 hộ gia đình thụ hưởng. Ðể đảm bảo an toàn chuồng trại và thức ăn trong phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân tận dụng những diện tích đất nhỏ lẻ, bỏ hoang, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Ðến nay, toàn huyện đã hỗ trợ giống cỏ cho người dân trồng 146ha cỏ Ghine, góp phần nâng tổng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trên địa bàn huyện lên 478ha. Trong xây dựng chuồng trại, huyện đã hỗ trợ cho 713 hộ mua vật liệu (ngói, gạch, xi măng, cát…) để xây dựng chuồng trại với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.

Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã góp phần tăng cao số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Ðến nay, toàn huyện có hơn 16.200 con trâu, hơn 30.500 con bò, gần 31.000 con lợn và gần 10.500 con dê; tổng đàn gia cầm đạt 244.200 con. Bước đầu đã hạn chế được tình trạng chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ và dần hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Gia đình ông Giàng Văn Minh (xã Keo Lôm), Lò Văn Tính (xã Phì Nhừ), Lò Văn An (xã Luân Giói), Lường Văn Pánh, Sầm Văn Phu (thị trấn Ðiện Biên Ðông)…

Ông Giàng Văn Minh, xã Keo Lôm cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi trâu, bò thả rông, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2017, được huyện hỗ trợ kiến thức, trồng cỏ, chuồng trại, tôi đã thực hiện nuôi nhốt theo hình thức gia trại kết hợp trồng cỏ. Trâu, bò phát triển nhanh, tỷ lệ sinh sản đều, đặc biệt là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh”.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, liên kết sản xuất, hàng năm UBND huyện đã phê duyệt, hỗ trợ người dân về con giống, làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi… Ðiển hình như 88 hộ nghèo, cận nghèo xã Rạng Ðông được hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung hợp vệ sinh với mức 2 triệu đồng/hộ nghèo, 1 triệu đồng/hộ cận nghèo. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 95.500 con (tăng 15.485 con so với năm 2015), tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 4%/năm. Chăn nuôi trên địa bàn huyện đang chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Huyện Tuần Giáo hiện có 2 trang trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô hơn 1.000 con; 300 mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nhóm hộ với quy mô từ 10 con trở lên, tập trung tại các xã: Mường Khong, Mường Thín, Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Ðông, Mường Mùn…

Phát triển theo hình thức trang trại, gia trại đã khai thác được lợi thế về chăn nuôi của địa phương, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Hiện nay toàn tỉnh có 39 trang trại chăn nuôi; trong đó có 15 trang trại gia cầm quy mô từ 1.500 - 4.000 con; 4 trang trại nuôi lợn với quy mô từ 100 - 3.000 con; 20 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê với quy mô từ 50 - 140 con. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 13 hợp tác xã chăn nuôi, chủ yếu chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) kết hợp với các loại cây trồng. Ngoài ra nhiều nông dân đã thành lập các tổ, nhóm sở thích, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển chăn nuôi.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Văn Tâm

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây