Thông tin liên hệ

Ðẩy mạnh liên kết sản xuất khu vực nông thôn

Thứ ba - 01/12/2020 09:26
Liên kết sản xuất có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành và tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất có quy mô. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Thu hoạch lúa ở cánh đồng Mường Thanh
Thu hoạch lúa ở cánh đồng Mường Thanh

Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân

Là cánh đồng lớn nhất khu vực Tây Bắc, từ lâu cánh đồng Mường Thanh đã nổi tiếng với các loại gạo dẻo thơm, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Tiêu biểu là gạo Bắc thơm số 7 và IR64 được Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên (xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên) lựa chọn sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi.

Ông Nguyễn Xuân Biền, Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên chia sẻ: Trước đây, sản phẩm gạo chưa được phân phối tiêu thụ theo thương hiệu cụ thể và chưa được tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị nên lợi nhuận không cao dù chất lượng sản phẩm thơm ngon vượt trội. Năm 2016, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên đã mạnh dạn thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Vụ đầu tiên, đơn vị liên kết với người dân ở các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) với diện tích gần 10ha. Theo cam kết, Công ty có trách nhiệm hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách cấy thưa, làm cỏ sục bùn và khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, vi sinh. Còn người dân thực hiện đúng lịch sản xuất theo thời vụ, quy trình kỹ thuật từ khâu gieo mạ, làm cỏ, bón phân. Khi thu hoạch, công ty thu mua 100% sản lượng trên diện tích sản xuất theo chuỗi với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Từ thành công vụ đầu, công ty mở rộng diện tích liên kết. Ðến nay, hàng nghìn hộ dân ở huyện Ðiện Biên đã hợp tác với công ty sản xuất hơn 50ha lúa, sản lượng tiêu thụ mỗi vụ hơn 300 tấn gạo.

Cũng tại huyện Ðiện Biên, sau 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo mô hình liên kết với nông dân sản xuất sản phẩm gạo Tâm Sáng. Năm 2017, HTX triển khai thực hiện thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô 31ha với 80 hộ nông dân tham gia. Ðến năm 2019, HTX mở rộng quy mô liên kết lên 150ha. Gạo Tâm sáng được sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR) và được quảng bá, giới thiệu trên hệ thống phân phối khắp các tỉnh miền Bắc; trong đó có các chuỗi siêu thị lớn uy tín ở thị trường Hà Nội như: Vinmart, Bigo... Nhờ hướng liên kết sản xuất hiệu quả đó, không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác mà còn tạo việc làm ổn định cho nông dân.

Tiến tới liên kết nông dân với nông dân

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất có quy mô ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, gia tăng giá trị sản phẩm. Năm 2018, Sở tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 28 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Ðồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục và các bước hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng. Kết quả là đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; triển khai trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên diện tích 189ha. Tại khu vực nông thôn cũng đã thu hút 1 dự án trồng cây mắc ca; 1 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; 1 dự án trồng rừng sản xuất và xây dựng hồ chứa nước với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Không chỉ tại địa bàn lòng chảo Ðiện Biên mà các khu vực vùng cao: Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo đã hình thành phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, có quy mô với các sản phẩm: Chè cây cao, khoai sọ, gà xương đen, đậu đỏ, cà phê... Khi tham gia liên kết sản xuất, người dân được bao tiêu từ giống đến đầu ra sản phẩm; trình độ sản xuất được nâng cao, giảm ngày công lao động, giảm chi phí đầu tư, đời sống được nâng lên đáng kể.

Cùng với liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân thì thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất ngang giữa các hộ nông dân để tạo vùng sản phẩm có khối lượng, quy mô lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp lớn đến mua sản phẩm. Cụ thể là với trồng trọt, tỉnh ưu tiên dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; liên kết, liên doanh giữa các nhà đầu tư có năng lực với người dân có đất để cùng phát triển; hình thành vùng sản xuất an toàn, tập trung với quy mô lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao. Còn thủy sản sẽ ưu tiên các mô hình liên kết tập trung thâm canh và bán thâm canh tại huyện Ðiện Biên; đẩy mạnh nuôi cá lồng trên các hồ chứa nước tại TX. Mường Lay và khu vực lòng hồ thủy điện huyện Tủa Chùa.

Nguồn tin: Mai Phương

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây