Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Hoạt động không hiệu quả
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 nghề và làng nghề, gồm: 11 làng nghề sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản; 8 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan, bánh khẩu xén và 12 nghề truyền thống. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những nghề, làng nghề này chủ yếu hoạt động theo hình thức thủ công (chiếm 95%). Ngoài số ít được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, có thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/lao động/tháng như: nghề làm bánh khẩu xén (tại bản Bắc, xã Lay Nưa,TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào (tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên) còn lại hầu hết hoạt động không hiệu quả, thậm chí dừng hoạt động.
Là làng nghề lâu đời, hình thành từ rất sớm song làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) thời gian gần đây hoạt động rất khó khăn. Do khó tìm thị trường tiêu thụ, nguyên liệu nhập giá thành cao nên các sản phẩm: Váy, chân váy, khăn... không đủ sức cạnh tranh. Thu nhập thấp, không ổn định khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề.
Tương tự là làng nghề thêu ren thổ cẩm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) và làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cũng đã tạm dừng hoạt động do không có đơn đặt hàng hoặc đơn đặt hàng (từ thời điểm cuối năm 2019) nhưng khách hàng không đến lấy, khiến số hàng tồn kho.
Bà Mai Thị Trang, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản xuất nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, hầu hết các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu. Do vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng các loại hàng hóa đáp ứng với nhu cầu thị trường. Việc tìm kiếm thị trường cho từng loại sản phẩm còn hạn chế nên việc mở rộng quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Mới đây, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh triển khai 2 đợt điều tra, rà soát tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố nhằm phổ biến sơ bộ về Nghị định số 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 32/2019/QÐ-UBND ngày 16/9/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Ðồng thời, điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất làm cơ sở để công nhận nghề truyền thống và các làng nghề cũng như đề xuất xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề cần bảo tồn lâu dài, giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030. Kết quả cho thấy các làng nghề hầu như hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, phạm vi thị trường nhỏ hẹp, người dân không mặn mà với nghề do không đảm bảo được nguồn thu nhập.
Cần giải pháp bảo tồn
Trước thực trạng hoạt động lay lắt của các làng nghề, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng một số mô hình điểm về phát triển ngành nghề nông thôn cho các xã có tiềm năng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống như: Khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm, thêu ren, đan mây tre, cơ khí hóa nông nghiệp, nghề làm giấy dó. Ðồng thời triển khai Dự án “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề thủ công phục vụ kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam” do Tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ cho 2 mô hình: Dệt thổ cẩm tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) và mô hình Nâng cao chất lượng chè Shan tuyết xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa); triển khai chương trình phát triển làng nghề gắn với du lịch 10 bản được quan tâm phát triển phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, với Ðề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn, chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin TP. Ðiện Biên Phủ triển khai bảo tồn các nghề thủ công truyền thống như: Thêu, dệt thổ cẩm tại bản Him Lam 2, bản Noong Chứn duy trì phục vụ khách du lịch. Ngành cũng xây dựng chính sách khôi phục, phát triển các nghề thủ công truyền thống (có tính chất đặc thù, không đáp ứng được tiêu chí nghề, làng nghề truyền thống) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn theo hướng tạo ra các sản phẩm.
Với các giải pháp thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề truyền thống thông qua các chương trình, dự án khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn, xúc tiến thương mại... đã và đang được triển khai, kỳ vọng hoạt động của các làng nghề sớm được khôi phục, hiệu quả hơn. Từng bước hướng tới phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: Mai Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn