Thông tin liên hệ

Thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều khó khăn

Thứ sáu - 24/04/2020 14:41
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 3 cơ sở xử lý bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp, còn lại là xử lý theo hình thức bãi chôn lấp. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, nhu cầu ngày càng cao của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu dẫn đến lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn đã và đang gia tăng áp lực cho công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn.
Công nhân Nhà máy Xử lý rác thải Ðiện Biên (bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) xử lý rác tại khu tập kết.
Công nhân Nhà máy Xử lý rác thải Ðiện Biên (bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên) xử lý rác tại khu tập kết.

Tỷ lệ thu gom rác đạt thấp

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Ðiện Biên năm 2019 ước tính khoảng 36 tấn/ngày, tương đương gần 13.000 tấn/năm. Năm 2019, huyện Ðiện Biên đã bố trí 70 điểm thu gom tập kết rác thải sinh hoạt tại những nơi tập trung đông dân cư và thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, các điểm thu gom rác mới được bố trí trên địa bàn 12 xã thuộc khu vực lòng chảo với tổng khối lượng thu gom, vận chuyển và xử lý trên 17,6 tấn/ngày. Ðiều này có nghĩa hơn 50% lượng rác thải còn lại chưa được thu gom, lượng rác thải này một phần người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, còn lại hầu hết được xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trên địa bàn huyện Mường Chà, tổng lượng rác thải phát sinh khoảng 19,2 tấn/ngày đêm, chủ yếu là khu vực nông thôn với gần 17 tấn/ngày đêm. Mặc dù có lượng rác thải phát sinh chiếm đến 87% lượng rác thải toàn huyện, tuy nhiên do dân cư phân tán nên trên địa bàn các xã không có đội thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày; đa số lượng chất thải rắn sinh hoạt thải bỏ người dân tự vận chuyển, đổ thải lộ thiên tại các bãi rác tự phát gần khu dân cư, ven đường, ven suối và các khu đất trống gần nhà. Tại địa bàn thị trấn Mường Chà, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom bằng các xe đẩy đến các điểm tập kết, sau đó được xe cuốn ép rác vận chuyển ra bãi chứa, đổ rác thải cách trung tâm thị trấn 5km. Song, thống kê cho thấy, lượng chất thải được thu gom mới đạt khoảng 85% chất thải phát sinh. Theo đánh giá của UBND huyện Mường Chà, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn rất thấp; hiệu quả xử lý chất thải rắn chưa cao; chưa phân loại rác tại nguồn và khả năng tái chế, tái sử dụng thấp. Nguồn ngân sách huyện còn hạn hẹp, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh giao hàng năm còn hạn chế; công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, ảnh hưởng đến môi trường.

 Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 205,5 tấn chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 19,83% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Toàn tỉnh mới có 23 xã có lượng chất thải được thu gom, xử lý vào các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chất thải rắn tập trung.

Cần giải pháp đồng bộ

Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn, nhưng tỉnh ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi. Công tác thu hút đầu tư đối với hoạt động xử lý chất thải rắn còn nhiều vướng mắc. Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được, một phần do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải rắn đúng nơi quy định còn hạn chế.

Việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi cũng là một trong những bài toán khó trong công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Ước tính mỗi năm toàn tỉnh phát sinh khoảng 2,6 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại và gia trại thì việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học (biogas, ủ…). Tuy nhiên, ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra ruộng, vườn cây, số lượng được xử lý rất ít.

Ðể nâng cao hiệu quả quản lý chất thải khu vực nông thôn, ngoài đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn các cấp, ngành liên quan cần quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực giúp các xã trong việc thu gom, xử lý rác thải. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh linh hoạt, lồng ghép các chương trình một cách phù hợp, ưu tiên kinh phí, chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ðồng thời tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải. Xây dựng, ban hành cơ chế huy động nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải cho các cơ sở chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến dong riềng, cà phê, tinh bột sắn.

Nguồn tin: Đức Huy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây