Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2011, Thanh Xương là xã có xuất phát điểm trung bình; kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng NTM nên khi triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng. Thế nhưng bằng sự nhất trí, đồng thuận của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau hơn 6 năm nỗ lực xây dựng, xã Thanh Xương đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương chia sẻ: Ðể có được thành công đó, UBND xã đã phát động phong trào thi đua “Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Thanh Xương tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM” thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng tạo nên diện mạo mới; các mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Ðặc biệt là thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên rõ rệt, từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) tăng lên 31 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,49% năm 2011 xuống còn 2% năm 2019.
Ðối với các xã vùng ngoài huyện Ðiện Biên, mặc dù điều kiện khó khăn hơn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều xã đến nay đã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM. Ðơn cử như xã Mường Nhà có xuất phát điểm thấp, song Ðảng ủy, UBND và Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí phụ trách, chỉ đạo các thôn bản thực hiện các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân phát huy nội lực kết hợp huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng NTM. Với sự đồng thuận cao, nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công lao động xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, sau 9 năm thực hiện, tháng 11/2019 xã Mường Nhà đã đạt được 18/19 tiêu chí xã NTM. Kinh tế - xã hội của xã có sự phát triển vượt bậc; đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản trên địa bàn xã. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11,47%.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có những chuyển biến rõ nét: Hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, trường lớp học, nhà văn hoá, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực đầu tư được huy động theo nhiều hình thức để nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ðến năm 2020, huyện có 15/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM (chiếm 41% toàn tỉnh); bình quân toàn huyện đạt 15,08 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 22,9 triệu đồng/năm, tăng trên 10 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 12,85%. Ðến nay, nhiều xã trên địa bàn huyện phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hoá, chuỗi liên kết thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Huyện đã có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao, 3 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Nói về nguyên nhân đạt được những thành tựu trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Ðiện Biên là huyện biên giới, nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất, hạ tầng còn hạn chế là những yếu tố gây khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ðể khắc phục khó khăn, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Ðiện Biên đã cụ thể hóa, hướng dẫn các xã triển khai kịp thời. Khi nhận thức của người dân thay đổi, hiểu rằng mình là chủ thể trong xây dựng NTM thì sẽ phát huy được sự chủ động tham gia của nhân dân. Từ đó, bà con đồng thuận, tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, làm đường nội đồng, kênh mương thủy lợi. Ðồng thời tham gia xây dựng kế hoạch, giám sát quá trình thực hiện. Những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ðiện Biên tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nguồn tin: Thu Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn