Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
“Hộ khó khăn thực sự thì chả nói làm gì, nhưng những hộ đủ điều kiện thoát nghèo nhưng lại năn nỉ xin… được nghèo, thậm chí có trường hợp còn “trốn” thoát nghèo khiến cho việc điều tra, rà soát mất nhiều thời gian công sức, tình làng nghĩa xóm cũng vì thế mà mai một, sứt mẻ!” - ông Giàng Thế Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Kè bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Nậm Kè là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Mường Nhé, toàn xã có có 907 hộ, với 7 dân tộc sinh sống tại 11 bản. Người dân xã Nậm Kè chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi; trong những năm trở lại đây, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay do được Nhà nước đầu tư, nhiều chương trình, dự án thoát nghèo được triển khai đồng bộ, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã vẫn cao.
Chỉ tay về phía vạt đồi xanh ngắt, ông Giàng Thế Cương cho biết: “Kia là trên 15ha cây sa nhân mới được người dân các bản Huổi Khon 1, Huổi Khon 2, Chuyên Gia 1, Chuyên Gia 3, Huổi Hốc, Huổi Hẹt, Nậm Kè và Phiêng Vai trồng. Ðấy là diện tích cây sa nhân người dân trồng theo Ðề án 29 xã biên giới. Cạnh đó là 1 héc ta cây mắc ca được trồng thí điểm đã lên xanh, kia là 3,4 hec ta hoa hồng Pháp trồng tại bản Phiêng Vai, bước đầu đã cho thu nhập và giải quyết được nhu cầu lao động tại chỗ. Cái khó nhất hiện nay là người dân chưa thoát khỏi tư tưởng muốn mang danh hộ nghèo. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên việc điều tra, rà soát hộ nghèo được phân công cho các tổ chức đoàn thể trong xã thực hiện. Ngoài những hộ phối hợp, thật thà cung cấp thông tin nhanh, chính xác thì vẫn còn hộ khai báo không trung thực, có 10 nhưng chỉ khai 2 - 3. Nhiều hộ khi biết có đoàn điều tra, rà soát thì lùa trâu bò lên nương, gửi các đồ vật như: Xe máy, ti vi, máy xay xát, máy cày, bừa… để được tiếp tục “nghèo bền vững”.
Rồi ông Cương thở dài bảo: Nông thôn miền núi, nhà ai có cái gì, tài sản có mấy con trâu, bò thường ngày mọi người đều biết cả, vậy mà lúc rà soát, điều tra thì tài sản, vật nuôi chẳng thấy đâu nữa. Vì thế để khách quan, nhiều hộ phải rà soát nhiều lần. Cũng có hộ dân trước khi có đoàn kiểm tra đến thì đã tranh thủ bán toàn bộ gia súc mà gia đình đang có với lý do: Trả tiền vay vốn ngân hàng.
Trầm ngâm một hồi, ông Cương kể tiếp: Năm 2019, khi tổ rà soát hộ nghèo tại bản Huổi Hốc, đến hộ ông C.S.T thì ông không có nhà mà chỉ có bố mẹ già; ông bà nói gia đình có đàn bò 6 con, có máy tuốt lúa, máy cày, bừa, ti vi, xe máy… Tuy nhiên sau đó ông T. một mực không đồng ý với kết quả kê khai, bởi với số tài sản được kiểm kê, chiếu theo thang điểm thì gia đình ông không phải là hộ nghèo. Ông T. đã 2 lần lên gặp đồng chí Chủ tịch xã để khiếu nại, trình bày hoàn cảnh gia đình: Vợ thường xuyên ốm đau, bản thân cũng không làm được nhiều; đàn bò đã bán hết để trả vốn vay ngân hàng… Trước những lời “thỉnh cầu”, tổ điều tra đã phải xác minh lại. Và cuối cùng thì gia đình ông T. được xếp hạng cận nghèo!?
Theo tiêu chí đánh giá thì hộ thoát nghèo phải có tổng điểm từ 151 điểm trở lên; hộ cận nghèo từ 120 - 150 điểm, và dưới 120 mới được công nhận hộ nghèo. Ðể chặt chẽ và khách quan hơn, sau khi rà soát điều tra xong, xã, bản tổ chức họp dân, thông báo kết quả cho từng hộ. Câu chuyện của ông C.S.T không phải là trường hợp cá biệt, mà còn xảy ra ở các tổ, nhóm khác trong nhiều năm.
Là người thường xuyên thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, anh Hù Văn Ðào kể: Ở bản Huổi Thanh, một số chủ hộ cũng tha thiết xin ở lại làm hộ nghèo. Lý do là đông con, nếu được làm hộ nghèo sẽ đỡ được nhiều khoản đóng góp khi các con đi học; được hưởng trợ cấp gạo, bảo hiểm y tế; được hỗ trợ tiền điện… Với nhiều khoản hỗ trợ mà chủ hộ này cho rằng nếu “mất” hộ nghèo sẽ mất đi nguồn thu. Cũng vì có tâm lý đó nên nhiều hộ cố gắng chỉ cầm cự ở mức nghèo, không dám mua sắm đồ vật gì thêm trong gia đình.
Chúng tôi mang chuyện “trốn thoát nghèo” đến gặp ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè. Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, ông Giàng A Ly cho biết: “Dẫu biết cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng khi người ta thật sự không muốn thoát nghèo thì rất khó để có cuộc sống tốt hơn.” Nói rồi ông cầm tập tài liệu dày ngót một gang tay bảo: Ðây là những phiếu điều tra, rà soát hộ nghèo của xã năm 2019. Mọi đánh giá đều được thực hiện công khai, khách quan. Sau khi có kết quả thẩm tra, tổ chức họp lấy ý kiến; hộ nào không đồng ý được giải đáp luôn. Tháng 2 vừa rồi xã đã cấp giấy chứng nhận hộ nghèo năm 2019 cho 624 hộ và cận nghèo là 33 hộ. “Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã vẫn còn trên 70%. Bởi chính người dân thích nghèo, họ đưa ra quyết định khiến họ nghèo thêm không chỉ về vật chất mà nghèo cả trong cách nghĩ”.
Các chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước mang ý nghĩa nhân văn to lớn, giúp người dân có điều kiện, động lực vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn. Nhưng nếu người dân vẫn còn tư tưởng muốn nghèo, coi nghèo như một nguồn thu thì công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn còn lắm gian nan!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn