Thông tin liên hệ

Sáng tạo xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 11/01/2024 14:00
Trước đây, đường vào các bản Phai Tung, Noong Hung, Phiêng Bung (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) là đường đất, nắng bụi mưa lầy. Bây giờ những tuyến đường này đã được “cứng hóa” từ sự đóng góp tích cực của người dân. Cảnh quan môi trường thoáng đãng, xanh- sạch - đẹp; những ngôi nhà sàn khang trang gắn biển homestay trang trí bắt mắt.

 

Tuyến đường vào bản Phai Tung, xã Mường Báng được bê tông hóa, trang trí đẹp mắt, sạch sẽ.

Anh Tòng Văn Vũ, người dân thôn Noong Hung cho biết: Tham gia xây dựng NTM, người dân thực hiện trồng cây xanh, hoa, cây cảnh tại các khu vực công cộng; tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang đường thôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ tường bao, hàng rào để hiến đất mở rộng đường giao thông. Đến nay đã có 45 hộ hiến đất để làm đường và các công trình công cộng.

Sau khi thay đổi địa giới hành chính, xã Mường Báng từ chỗ có 29 thôn, bản đến nay chỉ còn 13 thôn, bản và trở về xã chưa đạt chuẩn NTM. Năm 2022, khi bắt đầu lại công cuộc xây dựng NTM, xã Mường Báng đã xác định lấy cấp thôn, bản làm hạt nhân để nhân rộng và những thành quả đến nay làm thay đổi diện mạo từng thôn/bản. 3 bản: Tiên Phong, Phai Tung, Noong Hung đã được công nhận bản đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Báng cho biết: Xã phấn đấu 4 thôn bản: Tiên Phong, Phai Tung, Noong Hung, Phiêng Bung đạt chuẩn thôn, bản NTM năm 2023. Xã xác định xây dựng được nhiều thôn/bản NTM sẽ giúp xã sớm về đích NTM. Việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở thôn, bản đã giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là cách tạo nên diện mạo mới hiệu quả nhất cho các thôn, bản.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, công cuộc xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) đã tạo ra sự đột phá, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp và an toàn.

Với phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm, người dân bản Phủ, xã Noong Hẹt đóng góp tiên của, công sức xây dựng Nhà văn hóa bản khang trang.

Trong 19 tiêu chí NTM thì 2 tiêu chí quan trọng và khó thực hiện nhất là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Đảng ủy, chính quyền xã Noong Hẹt tích cực vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, xã tập trung hỗ trợ 2 bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao là bản Bông và bản Noong Bua.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Đối với 2 bản đặc biệt khó khăn, xã ưu tiên mọi nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Đồng thời rà soát hộ nghèo còn khó khăn để vận động, xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm. Mọi nỗ lực đã được đền đáp bằng kết quả tích cực: Nếu như năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo của bản Bông là 26,8% đến năm 2023 giảm còn 10,84%; bản Noong Bua giảm từ 27,27% xuống 12,4%. Xã phấn đấu đến năm 2025 đưa 2 bản này ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ ở bản Bông, xã Noong Hẹt được hỗ trợ sinh kế để tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Gia đình anh Lò Văn Tuân, bản Bông chăm sóc 2 con bò được hỗ trợ.

Tùy điều kiện, thực tế mỗi địa bàn, cấp ủy chính quyền địa phương có cách làm khác nhau, từ giải pháp tập trung từng thôn, bản đối với xã đang xây dựng NTM như Mường Báng, hoặc triển khai toàn diện đối với xã đã đạt chuẩn và đang xây dựng NTM nâng cao như Noong Hẹt… Với sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể, ủng hộ của cộng đồng xã hội và sự đồng thuận của người dân chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt kết quả tích cực. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22/115 xã đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí đạt 14,4 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 122 thôn bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu (tăng 39 thôn, bản so với giai đoạn 2016-2020). Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Lan Phương

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây