Thông tin liên hệ

OCOP nâng cao chất lượng nông sản địa phương

Thứ tư - 15/04/2020 09:05
Nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đến với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bước đầu, một số sản phẩm đã được xếp hạng sản phẩm OCOP, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo UBND xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) kiểm tra quy trình trồng bí xanh - sản phẩm OCOP Ðiện Biên Ðông.
Lãnh đạo UBND xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) kiểm tra quy trình trồng bí xanh - sản phẩm OCOP Ðiện Biên Ðông.

Mặc dù mới thành lập, số thành viên còn hạn chế, nhưng năm 2019, HTX Ong mật Ðiện Biên đã đưa 2 sản phẩm (mật ong hoa ban, mật ong bánh tổ) xếp hạng sản phẩm 4 sao của Chương trình OCOP. Hiện nay, HTX có 9 thành viên tham gia nuôi ong, với sản lượng mật các loại đạt 100 tấn/năm. Ðể duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản phẩm mật ong chú trọng nhất đến chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm.

Anh Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc HTX Ong mật Ðiện Biên cho biết: Ðể sản phẩm mật ong đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, HTX đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, bởi chất lượng là yếu tố quyết định sự thành công của sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm phải được đảm bảo từ khâu chọn con giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, cho đến khâu chế biến và bảo quản sản phẩm. Ðến nay, bên cạnh việc sử dụng mật ong của các thành viên HTX, chúng tôi còn thu mua thêm mật ong của các hộ dân trên địa bàn nhưng với điều kiện sản phẩm phải đạt chất lượng để giúp thương hiệu sản phẩm được nâng tầm cao hơn. Sau khi đã xây dựng được thương hiệu, để tạo nguồn thu nhập cho các thành viên và người nuôi ong, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX sẽ phát triển thêm sản phẩm mới như: Phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong, nến ong… đưa vào Chương trình OCOP và tập trung thương mại điện tử giới thiệu đến người tiêu dùng.

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến nay huyện Ðiện Biên Ðông đã có 4 sản phẩm: Thịt lợn khô; khoai sọ Phì Nhừ; bí xanh Tìa Dình và lạc đỏ Na Son được xếp hạng sản phẩm OCOP. Ðể phát triển sản phẩm địa phương, HTX Nông nghiệp CCO Ðiện Biên Ðông đã xây dựng một liên kết theo chuỗi với sự tham gia của hơn 60 hộ dân để phát triển diện tích trồng khoai sọ, bí xanh, lạc đỏ. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX còn tập trung hướng người dân sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo các tiêu chí của sản phẩm OCOP.

Trao đổi về vấn đề này, chị Ðỗ Thị Hương Giang, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp CCO Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðến nay, HTX đã liên kết với người dân ở các xã, đào tạo về kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đưa sản phẩm trở thành hàng hóa chất lượng cao. Ðể làm được điều đó, HTX đã tuyên truyền, vận động các thành viên và bà con nhân dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích trồng và quan tâm đến các khâu từ thu hoạch, bảo quản sao cho đảm bảo giữ được chất lượng cao khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Có như vậy mới tạo ra được các sản phẩm hàng hóa chất lượng góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Ðến nay, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả vượt bậc cả về số lượng sản phẩm tham gia chương trình, mẫu mã, chất lượng từng bước được khẳng định. Hiện toàn tỉnh có 26 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao. Ngoài những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, một trong những tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn, quyết định mua sản phẩm chính là chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, sau khi các sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm để tăng thu nhập cho người dân; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nông sản. Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, mỗi người dân, thành viên HTX tham gia chuỗi liên kết sản phẩm phải nghiêm túc tuân thủ các quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của đơn vị chủ thể, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, tạo khả năng cạnh tranh; từ đó tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển và góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản địa phương.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Phạm Quang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây