Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Chị Chang Thị Dùa, người uy tín thôn Cáng Tỷ cho biết, bản có 103 hộ, 532 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Ðời sống người dân còn nhiều khó khăn phần do hàng năm thường xảy ra mưa lũ lớn gây ngập lụt, sạt lở khiến diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán và sử dụng các chất ma túy, nạn trộm cắp, xuất cảnh trái phép còn xảy ra. Ðặc biệt do trình độ dân trí của người dân còn hạn chế nên còn tin và thực hiện các hủ tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, đời sống sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Ðể thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con trên địa bàn, chị Dùa cùng các đồng chí trong ban công tác mặt trận thôn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động của MTTQ các cấp. Tập trung tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các nội dung liên quan tới nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện Chương trình chuyên đề số 573b, ngày 28/7/2016 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước và thực hiện xóa bỏ hủ tục trong đồng bào các dân tộc. Ngoài các buổi tuyên truyền theo chuyên đề, chị Dùa cùng Ban công tác mặt trận lồng ghép nội dung tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, tranh thủ các đợt lễ hội tập trung đông người để tuyên truyền, phổ biến… Cách thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chia sẻ thông tin, trao đổi kiến thức mình biết với bà con; lắng nghe tâm tư, mong muốn để động viên, giải thích qua những cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở về kinh nghiệm trong tổ chức cuộc sống gia đình, sinh hoạt hằng ngày… đã dần giúp bà con thay đổi tư duy, nếp nghĩ. Từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, chính quyền các cấp; hiểu được cái đúng, cái sai, cái tốt cái xấu và những hệ lụy, hậu quả khi làm theo các hủ tục, mê tín dị đoan.
Cùng với đó sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án phát triển hạ tầng, trực tiếp hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... giúp cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn chuyển biến tích cực, bà con đoàn kết cùng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hỗ trợ, giúp nhau về vốn, ngày công, con giống vật nuôi, cây trồng... để phát triển kinh tế. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm rõ rệt, từ thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Sín Chải (75% hộ nghèo năm 2015) đến nay đã giảm xuống dưới 50%; hệ thống đường giao thông được kiên cố hóa đi lại thuận tiện, tư thương vào tận nơi thu mua nông sản, bà con yên tâm sản xuất, chăn nuôi. Cùng với việc chăm sóc để nâng cao sản lượng chè cây cao nổi tiếng trong vùng, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được nhân dân tích cực đưa vào trồng theo hướng hàng hóa (sa nhân, chanh leo, su su…) nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ðặc biệt là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới đến nay các hộ dân trong bản thực hiện tốt nếp sống mới, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, cơ bản xóa bỏ tình trạng thách cưới, hạn chế tình trạng tảo hôn; bài trừ các hủ tục, mê tín. Chị Dùa nhớ lại, nếu trước đây nhà có việc tang thủ tục rườm rà, làm các lễ nghi có khi tới 4 - 5 ngày, thậm chí cả tuần nhưng đến giờ thời gian tổ chức đám tang giảm xuống còn 3 ngày, đa số bà con đồng thuận, ủng hộ và được cộng đồng chấp nhận. Người dân nâng cao ý thức và thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh; không còn tình trạng nhốt gia súc dưới gầm sàn; trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Nhận thức của bà con về công tác kế hoạch hóa gia đình được nâng lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không còn trường hợp sinh con thứ 3, không còn quá coi trọng việc phải sinh con trai nối dõi.
Nguồn tin: Gia Kiệt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn