Thông tin liên hệ

Xây dựng chuỗi giá trị gắn với thị trường trong bối cảnh hội nhập

Thứ tư - 31/03/2021 05:11
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Điều này đã khiến các hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam chưa mang lại nhiều giá trị. Hơn nữa, các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin và dự báo về thị trường sản phẩm nông nghiệp trên thế giới chưa được đầy đủ làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Mô hình trồng rau công nghệ cao
Mô hình trồng rau công nghệ cao

Dịch vụ logisitics phục vụ hoạt động xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ hư hỏng và chất lượng, hình thức hàng hóa. Trên thực tế, doanh nghiệp ngành nông nghiệp và logistics vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn vẫn chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê theo hợp đồng chứ chưa có sự liên kết để hỗ trợ nhau về giá nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hình thành các chuỗi bảo quản lạnh sẽ đảm bảo cho các ngành xuất khẩu thủy sản, thịt và rau quả trong tương lai. Hiện nay, quy mô kho dự trữ lạnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam phục vụ hàng thủy hải sản xuất khẩu, trong đó doanh nghiệp logistics tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm 75%. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng lạnh là doanh nghiệp trong nước (48%) với quy mô nhỏ lẻ vì vậy hoạt động chuỗi thường bị phân khúc trên từng giai đoạn không thể vận hành một cách xuyên suốt. Theo Worldbank, chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành của nhiều ngành nông nghiệp của Việt Nam, cụ thể: ngành thủy sản là hơn 12%, gỗ và sản phẩm từ gỗ là 23%, rau quả 29,5% và ngành lúa gạo chiếm gần 30%. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, gấp hơn 3 lần so với Singapore. Chi phí logistics quá cao đã gián tiếp giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Định hướng phát triển trục sản phẩm chủ lực quốc gia (Gồm 13 sản phẩm theoThông tư 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Đảm bảo địa bàn có mức độ thích nghi tự nhiên, kinh tế xã hội cao, thuận tiện chỉ đạo, có điều kiện tổ chức sản xuất, có thể bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường, cảnh quan, phù hợp khả năng cung cấp tài nguyên tự nhiên. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, cân đối cung cầu chung toàn ngành hàng trong qui mô cả nước để duy trì mức sản xuất có lợi về giá cả. Tổ chức lại sản xuất. Phối hợp với các doanh nghiệp lớn đủ khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia rà soát lại toàn bộ các chiến lược quy hoạch, vùng quy hoạch, xây dựng, đề xuất đầu tư chuỗi giá trị đồng bộ và theo mô hình cụm ngành; thúc đẩy doanh nghiệp lớn kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, chính quyền địa phương, tổ chức nông dân triển khai đầu tư vào các chuỗi giá trị theo hình thức PPP.

Định hướng phát triển trục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh:

Các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch vùng chuyên canh có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội thuận lợi, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ cần thiết, thuận tiện về giao thông để gắn kết với thị trường chính. Xác định các thị trường chính cho mặt hàng nông sản chính, ưu tiên các doanh nghiệp địa phương làm đầu tàu của mỗi ngành hàng, kết nối với các doanh nghiệp chế biến, phân phối lớn và/hoặc thị trường mục tiêu. Nhà nước cần làm cầu nối cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân địa phương với thị trường hoặc các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lớn thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, môi giới thị trường, môi giới đầu tư. Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp lớn, Viện nghiên cứu hoặc Hiệp hội để chuyển giao công nghệ hiện đại, phù hợp cho SME địa phương và nông dân; hoặc phát triển vườn ươm đổi mới sáng tạo nông nghiệp cho doanh nghiệp hoặc tổ nhóm nông dân địa phương. Đổi mới công tác khuyến nông, tham gia vào quá trình này với vai trò là tác nhân môi giới công nghệ.

Định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương:

Đây là những đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể. Việc phát triển nhóm sản phẩm này cần gắn chặt với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Xác định địa bàn và đối tượng sản xuất thích hợp nhất; xây dựng quy trình và tiêu chuẩn, chuẩn hóa kỹ thuật; lên kế hoạch tổ chức sản xuất thành hệ thống. Tập trung vào ươm tạo năng lực quản trị của các tổ nhóm nông dân, làng nghề cho các sản phẩm đặc sản sẵn có. Thu hút hoặc xây dựng tổ chức trung gian làm môi giới tài chính, môi giới thương mại để thương phẩm hóa các sản phẩm này từ thị trường địa phương ra thị trường trong nước, quốc tế.

Nguồn tin: VP NTM TW:

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây