Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Là huyện vùng cao, biên giới với tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, Mường Nhé có nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ đỏ, quả sa nhân, mận tam hoa... các sản phẩm về du lịch trải nghiệm. Ðể triển khai Chương trình OCOP, năm qua huyện Mường Nhé đã xây dựng Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí 214 triệu đồng, trong đó ưu tiên chuẩn hóa các sản phẩm nông sản là đặc sản mang đặc trưng của địa phương. Ðể tạo sự thu hút và lan tỏa, nhất là tập hợp, nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của địa phương, huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tuyên truyền đến cộng đồng dân cư; tăng cường việc điều tra, khuyến khích, đăng ký ý tưởng sản phẩm, triển khai phương án kinh doanh, coi đó là giải pháp đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện. Ðồng thời, tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực OCOP cho 60 cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã; dự kiến năm 2020 tổ chức cho cán bộ, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé chia sẻ: Năm 2019, huyện Mường Nhé lựa chọn sản phẩm cam quả tươi (xã Mường Nhé) và du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) để tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân do huyện có xuất phát điểm thấp, rất ít đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc sản xuất, mở rộng diện tích trồng cam của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ (ước tính toàn huyện Mường Nhé có gần 20ha trồng cam), chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường; hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản rất hạn chế. Ðặc biệt, các sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác riêng, nhiều sản phẩm chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng; một số nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Nhận thức của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được vai trò, lợi ích khi tham gia Chương trình.
Ðối với sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ, mặc dù đã được đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm phong cảnh, bản sắc văn hóa truyền thống người Hà Nhì. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để xây dựng sản phẩm Du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ trở thành sản phẩm OCOP thì còn rất nhiều việc phải làm đối với cấp ủy, chính quyền xã Sín Thầu nói riêng, huyện Mường Nhé nói chung. Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Ðặc thù là xã biên giới, chủ yếu là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, mặc dù xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng để thay đổi nhận thức của nhân dân, từ canh tác nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình làm du lịch một cách bài bản là một “bài toán” khó. Hơn nữa, là xã nghèo, ngoài du lịch trải nghiệm, khám phá, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị (cơ sở lưu trú, nhà hàng...) còn rất hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Bởi thế, để xây dựng thành công sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Sín Thầu không phải là việc làm một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, thu hút, tập hợp được nhân dân tham gia hưởng ứng.
Trước khó khăn thực tế, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu, đầu tư “trúng” và “đúng” để sản phẩm OCOP có thể đến với thị trường, đem lại nguồn thu cho địa phương. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Trước hết để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các chính sách ưu việt đến gần hơn với nhân dân, huyện Mường Nhé sẽ sớm ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: Hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại... Ðồng thời, vận dụng linh hoạt, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn khác nhau để tập trung phát triển cho từng chủ thể, sản phẩm cụ thể. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Bài, ảnh: Phương Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn