Cẩn trọng thương lái Trung Quốc mua chè Tủa Chùa giá cao
Thứ sáu - 03/01/2020 08:23
ĐBP - Khoảng 2 tháng gần đây, người dân các xã: Sính Phình, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sín Chải (huyện Tủa Chùa) đang bàn tán xôn xao về việc đầu vụ chè năm 2019, trên địa bàn xã Sín Chải xuất hiện thương lái Trung Quốc mua chè với giá cao mà không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật hái và chất lượng chè. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là sự việc bất thường? Sự phát triển của cây chè cổ thụ và năng suất chè các vụ tiếp theo có bị ảnh hưởng?
Trong chuyến công tác mới đây lên các xã vùng chè huyện Tủa Chùa, vấn đề đầu tiên người dân ở đây chia sẻ với chúng tôi: “Năm nay, chè cổ thụ ở xã Sín Chải được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao trong khi tiêu chuẩn chè và kỹ thuật thu hái lại không yêu cầu quá cao. Tuy người dân thêm thu nhập nhưng nếu một vài năm tới thương lái Trung Quốc vẫn tiếp tục mua chè thì lo sợ rằng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè cổ thụ và năng suất chè các vụ tiếp theo sẽ bị giảm sút. Thêm một điều lạ nữa là, cùng là chè cổ thụ Tủa Chùa nhưng thương lái chỉ thu mua chè ở xã Sín Chải, còn chè ở các xã khác họ không mua”.
Tìm hiểu vấn đề trên tại xã Sín Chải, chúng tôi được người dân xác nhận: Ðầu vụ chè năm nay, có một người đàn ông Trung Quốc đã tìm đến và hỏi thu mua chè cổ thụ của người dân trên địa bàn. Ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua - một trong những hộ sở hữu nhiều gốc chè cổ thụ nhất xã Sín Chải cho biết: Mọi năm, sản phẩm chè người dân thu hoạch được đều bán cho các xưởng sao chế chè trên địa bàn xã. Ðầu vụ chè năm nay, có thêm một thương lái Trung Quốc đến địa bàn hỏi mua chè. Mức giá người này đưa ra là 50.000 đồng/kg chè tươi, cao gấp hơn 3 lần giá của Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp đưa ra (giá 16.000 đồng/kg). Trong khi đó, các xưởng ở địa bàn yêu cầu khắt khe về thời điểm hái, kỹ thuật hái và chất lượng chè, đơn cử như, hái chè chỉ hái 1 tôm 2 lá còn thương lái Trung Quốc có thể hái 1 tôm 4 - 5 lá cũng được. Do đó, một số hộ đã bán chè cho người này. Nếu xét về mặt lợi ích, chè vừa được giá vừa lợi về cân nặng thì người dân càng có lợi vì thu nhập tăng. Còn vấn đề việc thu hái ngọn chè già hơn, ngắt ngọn sâu hơn bình thường có ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè, năng suất chè những vụ tiếp theo có giảm hay không thì thời điểm này chưa thể biết được.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vừ A Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Ðúng là thời gian đầu vụ chè năm nay có thương lái Trung Quốc đến địa bàn xã thu mua chè cổ thụ. Khi vào địa bàn, người này đều đảm bảo mọi thủ tục về an ninh, có giấy thông hành và xin tạm trú tại trung tâm xã để thu mua chè cho người dân. Trong quá trình tạm trú tại xã, người này chỉ thu mua chè những ngày trời nắng. Sau khi hoàn thành thủ tục mua bán, người này tiến hành sao chè thủ công, phơi chè ngay tại chỗ và chỉ mang chè thành phẩm về Trung Quốc. Về giá cả, tuy rằng thương lái Trung Quốc đưa ra mức giá cao hơn mức giá của Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Ðiện Biên nhưng cũng chỉ ngang với giá của các xưởng chế biến chè trên địa bàn xã. Ðiểm khác duy nhất là người này thu mua ngọn chè có thể hái già hơn so với yêu cầu của các điểm thu mua khác. Hiện nay, toàn xã có 3 xưởng chế biến chè, trong đó: 1 xưởng của Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Ðiện Biên và 2 xưởng của người dân trong xã. Năm nay, xưởng của Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Ðiện Biên không hoạt động, 2 xưởng còn lại vẫn thu mua đều với giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 2 xưởng tư nhân này quy mô nhỏ nên không thu mua hết chè của người dân dịp cao điểm nên các hộ đã chuyển sang bán cho thương lái Trung Quốc. Chính vì thế, số lượng chè thương lái này thu mua được cũng không nhiều, ước khoảng 4 - 5 tạ chè tươi. Ðối với những lo lắng về sự phát triển của cây chè, thời điểm này chính quyền xã chưa thể biết được. UBND xã sẽ chỉ đạo các thôn theo dõi, đồng thời hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn của huyện để có cơ sở khuyến cáo với người dân.
Trao đổi những băn khoăn, lo lắng của người dân với phòng chuyên môn huyện Tủa Chùa, ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Việc thương lái Trung Quốc thu mua chè cổ thụ tại xã Sín Chải không ảnh hưởng sự phát triển, năng suất hay sản lượng cây chè. Có người nước ngoài vào địa bàn thu mua chè sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua sản phẩm, mức giá thu mua được đẩy cao, người dân được hưởng lợi từ những giá trị gia tăng đó. Còn việc vì sao thương lái Trung Quốc chỉ chọn mua chè cổ thụ ở xã Sín Chải, bởi vì chè ở Sín Chải ngon, uống đậm vị hơn so với các sản phẩm chè ở xã khác.
Người dân lo lắng là đúng vì trong quá khứ tại nhiều địa phương trên cả nước, tư thương Trung Quốc đã nhiều lần thu mua ồ ạt đỉa, chân trâu, lá điều khô và rất nhiều thứ khác. Ở tỉnh ta, tư thương Trung Quốc cũng đã thu mua cây hoa hồng bạch ở xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên); cây sim ở huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên với mức giá “trên trời”... nhưng mục đích thu mua để làm gì thì không ai biết. Trong trường hợp này, việc tư thương Trung Quốc thu mua chè cổ thụ ở xã Sín Chải có ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất, sản lượng cây chè hay không thì cần tiếp tục được theo dõi thêm. Tuy nhiên, với câu trả lời của cơ quan chuyên môn của huyện Tủa Chùa, người dân vùng chè xã Sín Chải cũng đã phần nào yên tâm về loài cây “bất tử” - linh hồn của vùng cao Tủa Chùa.