Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Nghề dệt phổ biến ở các bản làng của đồng bào Thái, Mông, Dao, Hà Nhì và ở các bản dân tộc Lào. Sinh sống ở các khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, nên nghề dệt truyền thống của các dân tộc Điện Biên cũng ở trình độ và quy mô khác nhau. Sản phẩm thổ cẩm truyền thống không chỉ đa dạng về màu sắc, hoa văn và chất liệu, mà còn phản ánh đặc điểm vùng sinh sống, tư duy thẩm mỹ cũng như óc sáng tạo của mỗi tộc người.
Xưa kia trồng bông, nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải là nghề truyền thống phổ biến ở khắp các bản làng người Thái Điện Biên. Với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, phụ nữ dân tộc Thái đã dệt nên các loại thổ cẩm mang màu sắc và hoa văn rất đặc trưng từ nguyên liệu tự nhiên là sợi của quả bông được trồng trên nương và tơ tằm do chị em phụ nữ ươm nuôi. Vải thổ cẩm của đồng bào Thái không chỉ phục vụ nhu cầu may mặc của gia đình, mà còn là hàng hóa dùng trao đổi lương thực, thực phẩm với các dân tộc không có nghề dệt trong khu vực như: dân tộc Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun. Dù ngày nay nghề dệt của đồng bào Thái không còn thịnh hành như xưa, nhưng người già trong một số bản vẫn còn lưu giữ nghề này vì yêu thích.
Bản Sáng, xã Thanh An (huyện Điện Biên) có khoảng 10 hộ gia đình làm nghề dệt. Công cụ làm nghề vẫn là chiếc khung dệt bằng tay, còn nguyên liệu là sợi tơ tằm, sợi bông và cả các loại sợi nhiều màu sẵn có trên thị trường. Sản phẩm tiêu thụ được nhiều nhất là vải thổ cẩm trắng, thổ cẩm màu nguyên tấm. Một sản phẩm nữa cũng được họ bán ra thị trường là những chiếc đệm nhồi bông, bọc vải thổ cẩm. Nghề dệt từng giúp nhiều hộ gia đình ở bản Sáng có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những năm gần đây thổ cẩm ngày càng ít khách nên mỗi gia đình chỉ giữ lại một khung dệt để giữ nghề. Gia đình bà Lò Thị Lẻ từng có 2 khung cửi hoạt động quanh năm, nhưng nay bà chỉ để lại một khung cửi, nếu có khách đặt hàng bà sẽ đi mua bông, mua tơ về làm. Bà Lò Thị Lẻ cho hay: “Đây là đệm ngồi, mình mua sợi, mua bông về tự làm. Mỗi cái bán được khoảng 100 nghìn đồng. Trước mình tự làm, tự mang ra các cửa hàng bán. Giờ mình chỉ làm nếu có khách đặt. Một tháng thì bán được chục cái, người ta đến tận nhà lấy đi.
Trong tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, sản phẩm dệt thủ công truyền thống, không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống và trong các nghi lễ dân gian, mà còn mang hồn cốt văn hóa Thái. Thổ cẩm dùng trong may mặc hàng ngày, tạo nên những bộ trang phục dân tộc giàu bản sắc. Thổ cẩm còn được dùng làm vỏ gối, chăn, đệm và các vật dụng trang trí trong nhà. Thổ cẩm dân tộc Thái với sắc màu sặc sỡ còn là quà tặng trong đám cưới, đám hỏi. Trong lễ xên bản, xên mường, thổ cẩm cũng được sử dụng làm lễ vật cúng thần. Thổ cẩm màu đỏ, màu trắng còn được dùng làm đồ tùy táng cho người chết. Mang những đặc điểm đặc trưng về màu sắc, hoa văn, vừa thể hiện bản sắc tộc người, lại vừa thể hiện sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, thổ cẩm dân tộc Thái nói riêng, thổ cẩm các dân tộc Điên Biên nói chung được nhiều nhà nghiên cứu coi là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và quan hệ tộc người.
Nói đến nghề dệt của đồng bào các dân tộc Điện Biên, không thể không nói đến nghề dệt của đồng bào dân tộc Lào. Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào đã đạt đến độ tinh xảo, với màu sắc, chủng loại phong phú, hoa văn độc đáo và mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Bà Lò Thị Bun, bản Na Sang II, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đang dệt tấm thổ cẩm bằng sợi bông tự nhiên với những nét hoa văn rất đặc trưng. Bà Bun không nhớ rõ mình biết dệt thổ cẩm từ khi nào. Chỉ nhớ, khoảng năm 11 - 12 tuổi, mẹ của bà bắt đầu dạy bà cách dệt các hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Bà Bun rất tự hào về điều này và cho biết: “Thổ cẩm dân tộc Lào chúng tôi làm từ sợi bông hoặc sợi tơ tằm thiên nhiên. Trên chiếc khăn tôi đang dệt có 2 loại hoa văn, hoa văn quả gấc và hoa văn hình quả đu đủ”.
Nhiều thế kỷ trôi qua, nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở xã Núa Ngam vẫn luôn được gìn giữ. Để có một tấm thổ cẩm đẹp với nhiều loại hoa văn rực rỡ, chị em phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng mới dệt xong. Hoa văn thổ cẩm dân tộc Lào được tạo ngay trên khung dệt nhờ các công thức vắt chỉ được sáng tạo và lưu truyền từ ngàn xưa. Hình hoa lá, cỏ cây, hình chim, rồng, voi, hổ… đều được tái hiện trên tấm thổ cẩm. Mỗi loại hoa văn là một câu chuyện thể hiện quan niệm sống, nhân sinh quan, thế giới quan của người Lào. Sự phong phú, đa dạng các loại hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào thể hiện trình độ thẩm mĩ cao của dân tộc này. Ngày nay ngoài sử dụng nguyên liệu sợi bông, sợi tơ tằm và các loại màu nhuộm tự nhiên, chị em còn dùng tơ, sợi và màu nhuộm công nghiệp để tạo ra các loại thổ cẩm phong phú về màu sắc, chất liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có tính thẩm mĩ cao, đa dạng về màu sắc, chủng loại nên thổ cẩm dân tộc Lào là sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Một chiếc túi thổ cẩm dân tộc Lào, rộng 20cm, dài 30cm có giá 200 nghìn đồng. Một mét vải thổ cẩm khổ rộng 60cm có họa tiết hoa văn giá từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy vào kiểu cách hoa văn và chất liệu thổ cẩm. Chị Lò Thị Biên, bản Na Sang II chia sẻ: Chúng tôi tự làm khung dệt, tìm hiểu cách dệt các loại hoa văn, nhuộm màu vải theo phương pháp truyền thống. Các kiểu hoa văn của thổ cẩm Lào thường chỉ được truyền miệng, nên đòi hỏi phải nhớ, phải đếm từng sợi rất là tỉ mỉ. Chúng tôi cũng được tạo điều kiện đi học hỏi kinh nghiệm, giao lưu tại các hội chợ hay xuống Hà Nội để giới thiệu sản phẩm. Ngoài khách hàng truyền thống, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường hơn.”
Nếu nghề dệt của người dân tộc Thái và dân tộc Lào có vai trò nhất định trong đời sống kinh tế của đồng bào, thì nghề dệt của người dân tộc Mông chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu may mặc của gia đình và sử dụng trong một số nghi lễ vòng đời. Nguyên liệu dệt của đồng bào Mông làm từ sợi cây lanh. Với người Mông, sợi lanh được coi là một loại sợi tâm linh. Sợi lanh được dệt thành những súc vải trắng, vẽ sáp ong rồi nhuộm chàm và thêu hoa văn rực rỡ. Những bộ trang phục thổ cẩm được dệt, thêu thủ công từ sợi lanh là tài sản vô giá đối với người Mông. Người Mông quan niệm, mỗi người khi qua đời phải mặc bộ trang phục dệt bằng vải lanh mới có thể gặp được tổ tiên của mình. Tuy nhiên nghề dệt của đồng bào Mông hiện nay cũng đang dần mai một. Phụ nữ dân tộc Mông ngày nay thường mua các loại vải công nghiệp để may váy, áo. Nghề dệt chỉ còn được lưu giữ bởi một số người già ở các bản vùng sâu, vùng xa và tồn tại nhờ nó gắn với tín ngưỡng dân gian. Nghề dệt của đồng bào Mông đang rất cần được bảo tồn, vì đây là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo đang đứng trước nguy cơ mai một.
Nghề dệt của đồng bào các dân tộc Điện Biên không chỉ tạo ra các sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng về chất liệu, màu sắc, hoa văn, mà còn đa dạng, độc đáo về kỹ thuật dệt, may, nhuộm màu, hồ sợi. Đó là các sản phẩm mang nhiều giá trị, ngoài giá trị về tiêu dùng còn mang đậm giá trị văn hóa, chứa đựng trong đó kho tàng tri thức dân gian phong phú. Nghề dệt thủ công truyền thống đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Việc bảo tồn nghề dệt truyền thống các dân tộc, cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà đồng bào các dân tộc Điện Biên đã sáng tạo và truyền giữ qua nhiều thế hệ.
Nguồn tin: Kông Thao
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn