Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Thực hiện Chương trình OCOP, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm trong các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng để xây dựng và phát triển thành thương hiệu. Năm 2019, UBND tỉnh lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng, cá nước lạnh, nhóm sản phẩm dược liệu... Chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”. Cụ thể: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại. Ðề án OCOP được phê duyệt, với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 35,76 tỷ đồng; trong đó năm 2019 bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm chè cây cao ở xã Pa Tần được huyện Nậm Pồ khôi phục năm 2018 và được xác định là một trong những sản phẩm Chương trình OCOP của huyện. Năm 2018, huyện Nậm Pồ đã bố trí kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ và tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chế biến, bảo quản chè thành phẩm. UBND xã Pa Tần đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè Pa Tần để phát triển sản phẩm chè của địa phương. Năm 2019, UBND tỉnh đã ghi vốn 500 triệu đồng để tiếp tục đầu tư, xây dựng sản phẩm chè Pa Tần thành một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh. Tuy nhiên, mới đây, UBND huyện Nậm Pồ kiểm tra, đánh giá hoạt động của HTX Chè Pa Tần nhận thấy hoạt động HTX chỉ ở mức cầm chừng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc… Trao đổi cụ thể vấn đề, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Vấn đề quan trọng nhất của chuỗi giá trị là đầu ra sản phẩm. Nhưng chè thành phẩm của Pa Tần hiện không có thị trường tiêu thụ, bán không ai mua, không thể cạnh tranh với các loại chè khác trên thị trường. Cùng với đó, nguồn cung sản phẩm 100% là chè tự nhiên trong rừng, thu hái còn khó khăn; trình độ nhận thức của người dân, xã viên HTX còn hạn chế... Nhận thấy mục tiêu xây dựng sản phẩm chè Pa Tần đạt tiêu chuẩn OCOP ngày một… bất khả thi, phòng đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chuyển 500 triệu đồng đã ghi vốn sang mục đích khác nhằm tránh lãng phí nguồn lực.
Huyện Tủa Chùa có 2 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt trong Ðề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 là: Chè Tuyết Shan và rượu Mông Pê. Ông Tô Minh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP năm 2019 của tỉnh, trong quý I huyện Tủa Chùa đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, chính quyền cấp xã có sản phẩm OCOP; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP huyện Tủa Chùa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Ðối với sản phẩm chè Tuyết Shan đã có vùng nguyên liệu, huyện và ngành chuyên môn tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Sản phẩm rượu Mông Pê được sản xuất chủ yếu tại hộ gia đình thuộc các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng nên UBND huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư dây chuyền sản xuất rượu Mông Pê, đóng chai thành phẩm; có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện OCOP đạt hiệu quả, đi vào thực chất, góp phần phát triển kinh tế địa phương nói chung, các xã có sản phẩm nói riêng, cần có tính liên kết, chuyên môn hóa cao nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm lên mức cao hơn như tỉnh, quốc gia… theo định hướng của Chính phủ.
Bài, ảnh: Phạm TrungNguồn tin: baodienbienphu.info.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn