Thông tin liên hệ

Điện Biên tham vấn phát triển sản xuất nông nghiệp

Thứ hai - 22/07/2019 17:09
Sáng ngày 19/7, Tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tham vấn phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó, Tỉnh Điện Biên đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Viện nghiên cứu về nông, lâm nghiệp, dược liệu hỗ trợ nghiên cứu định hướng, đưa ra các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đông chí Trần Văn Sơn Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị tham vấn phát triển sản xuất nông nghiệp
Đông chí Trần Văn Sơn Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị tham vấn phát triển sản xuất nông nghiệp

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại biểu Viện Chăn nuôi; Viện nghiên cứu rau, quả; Viện kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Dược liệu và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Điện Biên đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hình thành một số liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với người dân; từng bước khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các loại đất sản xuất nông, lâm nghiệp; triển khai mô hình cánh đồng lớn; sản phẩm gạo Điện Biên được chứng nhận theo chuỗi, cấp chỉ dẫn địa lý và mã truy xuất nguồn gốc; tốc độ phát triển đàn gia súc, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra... Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong sản xuất nông, lâm nghiệp của Điện Biên chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển thiếu bền vững; chưa nâng cao giá trị nông sản... 

Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế và hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Viện nghiên cứu hỗ trợ nghiên cứu định hướng, đưa ra các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; tư vấn lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh theo hướng tạo ra các vùng sản xuất tập trung, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu thị trường; nghiên cứu, chuyển giao một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao để sản xuất tại vùng chuyên canh tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị. Đồng thời hỗ trợ chuyển giao một số giống cây lương thực, cây ăn quả, giống thủy sản mới, cây dược liệu phù hợp với điều kiện của tỉnh; phục tráng, bảo tồn một số giống cây ăn quả bản địa có giá trị như: Cam Mường Pồn, cam Mường Nhà, hồng không hạt Điện Biên và nhãn Điện Biên; bảo tồn một số giống vật nuôi đặc sản địa phương như: Vịt cổ xanh Nà Tấu; gà xương đen, lợn bản Tủa Chùa; nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sơ chế, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hình thức chuỗi liên kết…

Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Viện nghiên cứu dự kiến hợp tác nghiên cứu các giải pháp cải tạo, canh tác bền vững cánh đồng Mường Thanh để nâng cao chất lượng gạo; bình tuyển, phục tráng, lựa chọn một số giống lúa đặc sản phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh; xây dựng các biện pháp khai thác, bảo tồn, nhân giống chè cổ thụ Tủa Chùa; đề án phát triển vùng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu, cây lương thực, thực phẩm có giá trị cao theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa… Thời gian thực hiện trong 2 năm 2020 – 2021.

Đại biểu Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu đã trao đổi những kết quả khảo sát ban đầu về đặc điểm, điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, gợi mở những hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc; kinh tế lâm nghiệp và phát triển cây dược liệu; lâm sản phụ ngoài gỗ để các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tính toán triển khai thực hiện… Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Viện nghiên cứu khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ và hợp tác bền vững trên cơ sở đề xuất của tỉnh Điện Biên trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì giúp tỉnh Điện Biên xây dựng đề án phục tráng các giống lúa như: IR64, Bắc thơm số 7 và Séng Cù tại cánh đồng Mường Thanh; phối hợp với Viện Chăn nuôi xây dựng đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc và áp dụng công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ các huyện, thị xã, thành phố và lao động nông thôn trên địa bàn. Đề nghị Viện Dược liệu chủ trì xây dựng đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; Viện Chăn nuôi chủ trì xây dựng đề án phát triển chăn nuôi giống lợn địa phương, nuôi các con giống có giá trị kinh tế cao và ít dịch bệnh. Đối với Đề án phát triển vùng cây ăn quả tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ, đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện của tỉnh và xây dựng giúp tỉnh đề án phát triển cây ăn quả. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để hoàn thiện các đề án; chủ động đề xuất đối với các bộ, ngành Trung ương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các Viện nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ, hợp tác thực hiện các đề án. Phấn đấu đến hết tháng 8/2019, hoàn thành công tác chuẩn bị xây dựng các Đề án phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cùng các cấp, ngành để hoàn thành các công việc đúng tiến độ.
Tin, ảnh: Nguyễn Huy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây