Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Huyện Mường Nhé có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ đỏ Hà Nhì, cam Mường Nhé, tinh dầu sả, quả sa nhân, mận tam hoa; du lịch văn hóa… Thời gian qua Mường Nhé đã tổ chức rà soát, thống kê các sản phẩm lợi thế để đăng ký xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể, người dân tham gia. Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực OCOP cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã và các chủ thể kinh tế. Huyện cũng ban hành khung pháp lý và chính sách thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Giai đoạn 2018 - 2020, huyện Mường Nhé xác định xây dựng 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP gồm: Du lịch văn hóa bản trung tâm xã Sín Thầu, cam Mường Nhé và tinh dầu sả. Tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, việc chưa có sản phẩm đề xuất đánh giá do các sản phẩm đăng ký là sản phẩm mới, phải xây dựng từ đầu như: Du lịch văn hóa bản trung tâm xã Sín Thầu, sản phẩm cam quả tươi Mường Nhé, tinh dầu sả… Huyện có nhiều loại sản phẩm đặc trưng có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP, tuy nhiên các sản phẩm còn sản xuất thủ công, chưa có bao bì riêng, nhãn mác; chưa có đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất, thu mua mà chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Sản phẩm du lịch văn hóa bản trung tâm xã Sín Thầu, mặc dù đã được đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm OCOP thì còn rất nhiều việc phải làm. Do đặc thù là xã biên giới, chủ yếu bà con dân tộc thiểu số sinh sống, để thay đổi nhận thức từ canh tác nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình làm du lịch một cách bài bản không đơn giản. Hơn nữa, là xã nghèo, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ du lịch còn rất hạn chế. Qua rà soát, các nội dung chi hỗ trợ cho thực hiện phát triển sản phẩm này không có trong danh mục chi quy định tại Thông tư 08/2019/TT-BTC ngày 30/1/2019 của Bộ Tài chính và chưa có hướng dẫn cụ thể nên không có cơ sở để tổ chức thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn là các sản phẩm mới, chưa xác định được chủ thể tham gia. Hầu hết người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà tham gia xây dựng các sản phẩm. Đến nay toàn huyện mới có 1 sản phẩm có chủ thể tham gia là sản phẩm tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Suối Voi, song đến nay hợp tác xã cũng chưa xây dựng được hồ sơ để tổ chức đánh giá. Một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chương trình nên chưa thực sự quan tâm; còn tâm lý ỷ lại; thực hiện chương trình OCOP tại địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hướng dẫn. Bên cạnh đó, nguồn vốn hàng năm dành cho chương trình hạn chế, giai đoạn 2018 - 2020, huyện được phân bổ 1,33 tỷ đồng. Trong khi phải chi cho rất nhiều đầu việc như: Công tác xây dựng chương trình; tổ chức bộ máy thực hiện; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, chủ thể tham gia; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP...
Mục tiêu của huyện Mường Nhé trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển 5 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; đồng thời củng cố và phát triển ít nhất 3 tổ chức kinh tế gắn với phát triển sản phẩm trong chương trình OCOP; xây dựng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm đặc trưng của huyện; xây dựng 3 dự án phát triển các sản phẩm chủ lực huyện Mường Nhé theo chuỗi giá trị và thí điểm hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 - 2 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP… Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh đề xuất tỉnh có các cơ chế hỗ trợ phù hợp, huyện Mường Nhé cần có giải pháp để các xã, chủ thể nhận thức rõ trách nhiệm, tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Văn Tâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn