Thông tin liên hệ

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Thứ hai - 24/05/2021 00:47
Những năm qua, chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng lãnh đạo chỉ đạo thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả. Nhiều diện tích rừng được bảo vệ, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng và tăng thu nhập từ các mô hình kinh tế rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuyên truyền, vận động người dân xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) tích cực phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập và góp phần bảo vệ rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuyên truyền, vận động người dân xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) tích cực phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập và góp phần bảo vệ rừng.

Giai đoạn 2018 - 2020, từ nguồn vốn nông thôn mới và nguồn vốn theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND, ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về “Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”, toàn tỉnh đã hỗ trợ 12 dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp, gồm 11 dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và 1 dự án phát triển cây mắc ca.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: “Những năm qua, nhằm tăng thu nhập cho người dân, thực hiện 2 tiêu chí nông thôn mới là thu nhập và hộ nghèo, chính quyền cấp huyện đã ưu tiên các nguồn vốn nông thôn mới và vốn phát triển nông nghiệp tỉnh để thực hiện các dự án trồng sa nhân, thảo quả dưới tán rừng. Những dự án này bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ hiện nay đã trồng được hơn 30ha cây sa nhân dưới tán rừng; một số diện tích sa nhân đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế từ 20 - 100 triệu đồng/năm.

Ông Thùng Văn Lé, bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa cho biết: “Gia đình tôi trồng thí điểm 2.000 cây sa nhân dưới tán rừng. Sau thời gian kiến thiết, hiện nay cây sa nhân đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với canh tác lúa, ngô trên nương như trước đây. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tích cực khoanh nuôi, tái sinh rừng trên những diện tích nương đã bạc màu, bỏ hoang nhiều năm để khi rừng khép tán, tôi sẽ tiếp tục đầu tư trồng sa nhân”.

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Xã Chà Nưa có trên 400ha cây sa nhân tự nhiên. Hàng năm đến mùa sa nhân người dân vào rừng hái sa nhân bán cho các thương lái, tăng thu nhập. Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn và lợi ích kinh tế cao, những năm qua xã Chà Nưa đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng được gần 10ha cây sa nhân; thu nhập đạt từ 10 - 30 triệu đồng/hộ (tùy diện tích). Từ hiệu quả kinh tế thu được, người dân tăng cường công tác bảo vệ rừng, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng như: Hiến đất, đóng góp ngày công làm được bảo vệ rừng; tham gia tuần rừng; kịp thời phát hiện và tham gia truy quét các đối tượng ngoài địa bàn khai thác gỗ và lâm sản dưới tán rừng… Nhờ đó, rừng của xã luôn được đảm bảo an toàn, đồng thời diện tích rừng được hưởng dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng. Ngoài phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, hiện nay xã Chà Nưa đang phát triển mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Xã đã thành lập Hợp tác xã Ong mật Chà Nưa với hàng chục hộ tham gia. Quá trình chăm sóc, di chuyển tổ ong theo các mùa hoa rừng, người nuôi ong chính là tai mắt, là một “bảo lâm” của xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tương tự, những năm gần đây huyện Mường Nhé tập trung phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Điển hình là 2 xã: Sín Thầu và Sen Thượng có diện tích sa nhân chiếm 70% tổng diện tích sa nhân toàn huyện.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết: Hiện nay toàn xã có 50ha sa nhân tím, trong đó có 30ha cho thu hoạch. Các mô hình trồng sa nhân không những mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần hạn chế tình trạng cháy thảm thực vật vì cây sa nhân tím chứa nhiều nước, hạn chế tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Giai đoạn 2021 - 2025, xã Sín Thầu sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé tiếp tục vận động người dân phát triển cây sa nhân dưới tán rừng. Vừa qua, các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình 30a/CP, 135/CP, nông thôn mới… người dân đều đăng ký trồng cây sa nhân, do đó dự kiến thời gian tới diện tích sa nhân của xã sẽ tiếp tục được mở rộng.

 

 

 

Nguồn tin: Phạm Trung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây