Thông tin liên hệ

Đưa sản phẩm OCOP chủ lực Điện Biên vươn xa

Chủ nhật - 30/08/2020 20:54
Bên cạnh việc tham gia nhiều triển lãm, hội chợ, sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh đây được kỳ vọng là giải pháp đưa các sản phẩm của Điện Biên vươn tới các thị trường lớn, tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững; hợp tác kinh doanh, sản xuất sản phẩm đặc sản vùng miền đạt chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên tại Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc vừa tổ chức tại Hà Nội.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên tại Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030, tỉnh Điện Biên có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng xét duyệt tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so với kế hoạch); gồm 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2019 doanh thu từ sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đạt 32,842 tỷ đồng, nhóm đồ uống đạt 12,579 tỷ đồng.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư. Sản phẩm được nâng tầm, giúp họ tự tin đưa sản phẩm thế mạnh của tỉnh hòa nhập thị trường với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng. Đặc biệt mới đây việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng chương trình OCOP của tỉnh.

Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên) được bày bán tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP với sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp để chúng ta nghiên cứu, học hỏi. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, Quảng Ninh đã phát triển mới được 70 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP lên 435 sản phẩm. Trong đó, có 191 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 - 5 sao; nhiều sản phẩm có uy tín, chất lượng cao được thị trường quốc tế ưa chuộng. Việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ là cơ hội giúp tỉnh ta có cầu nối giao thương sản phẩm OCOP với một thị trường tiềm năng.

Điện Biên có thể thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Theo quan điểm “ký kết là hợp tác cùng phát triển”, hằng năm, khi tổ chức các hội chợ OCOP hoặc hội chợ về nông nghiệp, các đơn vị điều phối nông thôn mới hai tỉnh sẽ đề xuất ban tổ chức mời các doanh nghiệp hai bên tham gia với chi phí ưu đãi nhất để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với việc ký kết hợp tác với tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Điện Biên cũng tham gia nhiều hội chợ, sự kiện giới thiệu, xúc tiến thương mại. Điển hình là Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc được tổ chức tại TP. Hà Nội.

Sản phẩm mật ong của tỉnh Điện Biên tại Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Tham gia sự kiện, tỉnh Điện Biên có 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu 26 sản phẩm OCOP được công nhận năm 2019 và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, như: Cà phê bột Hồng Kỳ, chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, mật ong Điện Biên, cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Điện Biên, cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag, cà phê túi nhúng Smile single bar coffee và các sản phẩm gạo Điện Biên...

Sự kiện thu hút gần 600 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, trên 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền tham gia. Sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng đến tham quan, kết nối giao thương, mua sắm các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Các sản phẩm OCOP trưng bày tại sự kiện đều phải đạt từ 3 sao trở lên, đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Tại hội chợ, Hà Nội đã bố trí xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm lưu động để kiểm soát chất lượng, bảo đảm cung ứng những sản phẩm an toàn nhất đến người tiêu dùng. Trong 5 ngày diễn ra sự kiện, đã có hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng của tỉnh Điện Biên.

Sản phẩm mây tre đan xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Chặng đường phía trước sẽ còn không ít khó khăn, bởi vậy để thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, tăng cường hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố và tham gia các hội chợ, sự kiện thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, tạo điều kiện tìm kiếm thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP trên địa bàn tỉnh.

Từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình OCOP của tỉnh. Theo dự kiến, thực hiện Kế hoạch số 458/KH-BCĐ ngày 24/2/2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2020 và Quyết định số 672/QĐ-SCT ngày 20/5/2020 của Sở Công Thương về việc giao bổ sung nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã xây dựng đề án tham gia 3 hội chợ triển lãm nhằm xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh tại: Đà Nẵng, Lào Cai, Thái Nguyên.

Nguồn tin: Trần Sơn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây