Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Xây dựng sản phẩm đạt chuẩn rất quan trọng, song làm thế nào để sản phẩm lưu thông trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng thường xuyên mới là vấn đề cốt lõi. Ðây là mục tiêu chính của chương trình, là mong muốn của chủ thể kinh tế khi xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Chính vì vậy, gần 2 năm nay bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm, các chủ thể kinh tế và các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã và đang nỗ lực thực hiện quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngày 9/7 vừa qua, tỉnh Ðiện Biên và tỉnh Quảng Ninh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển sản phẩm OCOP. Hai bên thống nhất thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chương trình OCOP; thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường của 2 tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm hai bên tổ chức các hội chợ OCOP về nông nghiệp, văn phòng điều phối nông thôn mới 2 tỉnh đề xuất Ban Tổ chức hội chợ mời các doanh nghiệp của 2 tỉnh tham gia với chi phí ưu đãi để giới thiệu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ðánh giá về chương trình phối hợp này, bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH SafeGreen cho biết: Quảng Ninh có nền kinh tế phát triển, các sản phẩm OCOP phát triển đa dạng và có nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Do đó kết nối, hợp tác phát triển sản phẩm OCOP với các chủ thể kinh tế của tỉnh Quảng Ninh là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ðiện Biên học tập kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, phát triển thị trường. Tại lễ ký kết, trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Ðiện Biên, các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ cởi mở về cách thiết kế các biển hiệu tại điểm giới thiệu sản phẩm; bố trí, sắp xếp sản phẩm và thiết kế bao bì sản phẩm nổi bật nhất, để dễ nhận biết, để người tiêu dùng có thể so sánh giữa sản phẩm đạt chuẩn OCOP với các dòng sản phẩm tương tự trên thị trường. Các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã mời các doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, điểm bán hàng tại Quảng Ninh. Thời gian tới Công ty Safe Green sẽ tổ chức chuyến thực tế ở Quảng Ninh để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ đó có thể áp dụng phát triển các sản phẩm của Công ty.
Thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo Ðiện Biên chất lượng cao có quy mô lớn nhất tỉnh. Năm 2019. Hợp tác xã có sản phẩm Gạo Tâm Sáng đạt chuẩn OCOP, tiêu chuẩn 3 sao, đến nay đã tiếp cận được một số thị trường, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương… Hiện nay, sản lượng tiêu thụ gạo thành phẩm ước đạt 500 - 600 tấn/vụ.
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Tỉnh Quảng Ninh có nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận được những thị trường rất khó tính ở khu vực miền Bắc và các thành phố lớn trong cả nước. Tham gia hợp tác phát triển sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi sẽ có dịp học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, cách thức tiếp cận các thị trường khó tính và xây dựng thương hiệu gạo Tâm Sáng Ðiện Biên trên thị trường. Ðây là cơ hội tốt giúp các chủ thể kinh tế OCOP phát triển.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại tỉnh Ðiện Biên với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành khu vực Bắc bộ nhằm tìm hiểu, kết nối, ký kết các biên bản ghi nhớ, các chương trình hợp tác phát triển sản phẩm OCOP.
Nguồn tin: Phạm Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn