Thông tin liên hệ

Điện Biên phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Thứ ba - 22/11/2022 14:57
Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, công nghệ từ các cấp, ngành chuyên môn, đến cuối tháng 9/2022, tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh Điện Biên đã có 44 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó, có hai sản phẩm đạt bốn sao và 42 sản phẩm đạt ba sao. Nhờ đó, người nông dân được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.
Trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên.
Trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên.

Những năm qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng 6,02%; đồng thời góp phần quan trọng vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 3,21%.

Đồng thời, từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến, vừa tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định chất lượng nông nghiệp, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP Điện Biên vươn ra thị trường trong nước, thế giới.

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh đều đặc sắc, gắn với lợi thế đất, khí hậu riêng từng huyện, từng xã. Vì vậy, thường là sản phẩm OCOP địa bàn nào sẽ được đặt tên gắn với địa danh nơi vùng sản xuất sản phẩm đó, như: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, cà-phê Mường Ảng, chè shan tuyết Tủa Chùa; gạo tám thơm Điện Biên; gạo séng cù Điện Biên… Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Bình cho biết: 100% sản phẩm đạt OCOP thuộc 28 chủ thể (15 hợp tác xã, bảy doanh nghiệp và sáu cơ sở sản xuất).

Thương hiệu được xác nhận, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh còn được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kết nối người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trong nước, nước ngoài. Nhờ đó, giá trị kinh tế sản phẩm OCOP đem lại vượt trội so với sản phẩm cùng loại tại địa phương; thu nhập của người sản xuất tăng rõ rệt. Đặc biệt là đầu ra sản phẩm không bấp bênh như trước, cho nên người nông dân vùng nguyên liệu OCOP không phải canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá” hay nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tại huyện vùng cao Tủa Chùa có ba sản phẩm, gồm: trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và trà xanh shan tuyết Sính Phình do Công ty TNHH một thành viên Hương Linh sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP. Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, vùng chè shan tuyết cổ thụ ở các xã phía bắc huyện Tủa Chùa là Sín Chải và Tả Phìn đều trong tình trạng ế ẩm triền miên khiến người trồng chè nơi đây chán nản, chặt bỏ dần loại cây từng có thời gắn bó với họ như máu thịt. Nhưng kể từ khi Công ty TNHH MTV Hương Linh liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến thì vùng chè Tủa Chùa “đã sống lại”.

Bà con dân tộc H’Mông ở các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Sín Chải càng thêm gắn bó hơn với cây chè, bởi nhờ cây chè cuộc sống người dân đã đổi thay. Đánh giá chung về sản lượng, hiệu quả kinh tế mà các sản phẩm chè được công nhận OCOP đem lại, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa Vũ Thị Ngọc Ánh cho biết: Sản lượng chè búp tươi do Công ty TNHH một thành viên Hương Linh thu mua hằng năm đều tăng 20%; diện tích vùng nguyên liệu cũng không ngừng mở rộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân vùng cao Tủa Chùa.

Để tiếp tục nối dài thành tựu phát triển OCOP, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp được công nhận OCOP và phát triển bền vững. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng sản phẩm Điện Biên phát triển số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; mỗi sản phẩm OCOP được công nhận góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thị trường trong nước, quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành phải sâu sát, thường xuyên tiếp nhận thông tin từ cơ sở; các huyện, thị xã, thành phố phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm cụ thể đối với các phòng, ban, nhất là vai trò UBND cấp xã trong việc triển khai chương trình OCOP. Quá trình thực hiện, UBND cấp huyện phải chủ động cân đối nguồn kinh phí địa phương và lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ chủ thể OCOP hiệu quả, bền vững ■

 

Nguồn tin: BÀI VÀ ẢNH: LÊ LAN

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây