Thông tin liên hệ

Điện Biên nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 18/08/2023 14:21
Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song bằng cách làm cụ thể, giải pháp cụ thể huy động mọi nguồn lực thực hiện từng tiêu chí nên Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, biên giới ngày càng đổi thay…
Người dân huyện Mường Nhé góp sức vệ sinh làng bản, làm đường giao thông nông thôn.
Người dân huyện Mường Nhé góp sức vệ sinh làng bản, làm đường giao thông nông thôn.

Sín Thầu, huyện Mường Nhé là một trong những xã biên giới khó khăn nhất tỉnh Điện Biên. Vậy nên năm 2011, khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, Sín Thầu mới có 3/19 tiêu chí đạt chuẩn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức xây dựng nông thôn mới với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cuối năm 2021, Sín Thầu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%; các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 93%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Hà Nhì, H’Mông nơi biên giới đổi thay rõ rệt.

Cùng đợt công nhận xã nông thôn mới với Sín Thầu, huyện Mường Nhé, trong năm 2021 tỉnh Điện Biên có thêm các xã: Pa Thơm, Pu Luông (huyện Điện Biên), xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ); xã Ma Thì Hồ, Pa Ham (huyện Mường Chà) và xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) được công nhận xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh lên 44 xã. Các chỉ tiêu, tiêu chí tăng lên, như: Tiêu chí giao thông; trường học; điện; cơ sở vật chất; văn hóa; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…

Ngoài nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên còn góp sức, hiến đất, góp công xây dựng các công trình, vệ sinh làng bản hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thôn, bản nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hiến đất, góp sức để thực hiện chương trình lên tới gần 8,3 tỷ đồng.

Mới đây, tại bản Huổi Lỵ, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng đã có thêm hàng chục gia đình tự nguyện hiến gần 17 nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn. Tại huyện Nậm Pồ, có hàng trăm cán bộ và hàng nghìn người dân góp sức sửa đường, vệ sinh khu dân cư, trường học, xây dựng bản du lịch cộng đồng. Nhờ có sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã có 122 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Điện Biên nỗ lực xây dựng nông thôn mới ảnh 1

Đồng chí Lê Thành Đô (đầu tiên bên trái ảnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thăm hỏi, động viên nhân dân tích cực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng nông thôn mới

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, cho biết: Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, do đó trong suốt quá trình triển khai đặc biệt quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nhân dân để từ đó khơi dậy ý thức thoát nghèo, vươn lên trong mỗi cá nhân, gia đình. Hiện tại Nậm Pồ có 3 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Chà Nưa đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; xã Chà Cang đạt 18 tiêu chí; xã Nà Hỳ đạt 17 tiêu chí. Đây là kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn của huyện có 8 xã biên giới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn rồi, 2 xã cơ bản đạt chuẩn. Các mô hình, dự án đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn trong thời gian qua đang dần phát huy hiệu quả, đang dần làm thay đổi nhận thức và cách làm trong phát triển kinh tế của người dân. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công tác an sinh xã hội cơ bản đã và đang dần từng bước hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên, cho biết: Đến cuối tháng 6/2023, tỉnh Điện Biên có 69/115 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (tăng 7 xã so với năm 2022); 115/115 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai; 74/115 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (tăng 7 xã so với năm 2022); 92/115 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học (tăng 7 xã so với 2022); 82/115 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất, văn hóa…

Từ việc đầu tư nâng cao các tiêu chí xây dựng, văn hóa, giao thông đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Sự chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên; bộ mặt nông thôn được cải thiện, đời sống của nhân dân các dân tộc được nâng lên rất nhiều.

Nguồn tin: BÀI, ẢNH: BÍCH HẠNH

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây