Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Đào tạo nghề cho LĐNT được xác định là một trong những giải pháp tiên quyết góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân, nhất là hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã đẩy mạnh công tác truyền thông, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học nghề phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tuần Giáo đã xây dựng kế hoạch dạy nghề LĐNT xuất phát từ nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội; phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) huyện Tuần Giáo cho biết: “Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của huyện chiếm 59% tổng dân số; số người trong độ tuổi có khả năng lao động chiếm 57% dân số toàn huyện. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt cho huyện nhiều thách thức trong việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm”. Trước thực trạng đó, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” đến năm 2020 trên địa bàn 19/19 xã, thị trấn và ban hành quy chế hoạt động; đẩy mạnh việc truyền thông, tư vấn học nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các buổi họp thôn, bản. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng xã, điều tra cung - cầu lao động; từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng LĐNT trong độ tuổi, diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, với các ngành nghề đào tạo: Trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật trồng và khai thác rừng; sửa chữa xe máy, gò hàn cơ khí...
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tuần Giáo đã mở 137 lớp đào tạo nghề cho 4.146 học viên (nông nghiệp 3.882 học viên; phi nông nghiệp 264 học viên); sau đào tạo có trên 75% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Riêng 9 tháng đầu năm 2021 toàn huyện có 855 lao động được đào tạo nghề theo Đề án 1956, giải quyết việc làm cho 748 lao động (3 người xuất khẩu lao động nước ngoài). Đặc biệt, người lao động đã tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến; nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất của gia đình.
Sau khi tham gia các khóa học, lớp tập huấn về chăn nuôi trồng trọt, nhiều người lao động đã biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Anh Cà Văn Dũng, bản Pha Nàng, xã Quài Nưa chia sẻ: “Được chính quyền xã tạo điều kiện, năm 2017 tôi tham gia học nghề trồng trọt, chăn nuôi. Với quyết tâm thoát nghèo, từ kiến thức được học tôi đã ứng dụng trồng hơn 1,2ha cây xoài Đài Loan. Đến nay nhờ cách chăm sóc, bón phân, phun trừ cỏ dại nên cây xoài sinh trưởng và phát triển tốt đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng trên 1 tấn quả tươi, thu nhập gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tích cực đầu tư chuồng trại, nuôi trâu bò, lợn sinh sản... Mỗi năm trừ chi phí tổng thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng”.
Thời gian tới, huyện Tuần Giáo tiếp tục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn lý thuyết với thực hành. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và phối hợp triển khai nhanh, có hiệu quả các chính sách, hoạt động của Đề án 1956. Đồng thời, chú trọng mở rộng các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của huyện để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.
Nguồn tin: Bài, ảnh: Sầm Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn