Thông tin liên hệ

Nâng cao giá trị sản xuất từ chuyển đổi cơ cấu, tăng vụ cây trồng

Thứ ba - 22/12/2020 07:00
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta có những chuyển biến tích cực. Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, lựa chọn các loại giống có năng suất, chất lượng cao để tăng thu nhập.
Người dân bản Xá Nhù, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) chuyển đổi từ cây sắn sang trồng mía nâng cao thu nhập.
Người dân bản Xá Nhù, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) chuyển đổi từ cây sắn sang trồng mía nâng cao thu nhập.

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

Từ năm 2016, bà Vừ Thị Sao, bản Xá Nhù, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) chuyển đổi 6.000m2 nương trồng sắn không hiệu quả sang trồng mía và các loại cây ăn quả như cam, chanh, bưởi, xoài. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống gia đình bà Sao dần được nâng lên.

Bà Sao cho biết: “Trồng sắn mấy vụ đầu còn năng suất ổn định, từ vụ thứ 5 trở đi thì năng suất thấp hẳn. Ðược cán bộ nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn, mình chuyển sang trồng mía và cây ăn quả. Ðến nay, cây ăn quả đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, còn mía thì đã là vụ thứ 5; thu nhập từ các loại cây mới được 40 triệu đồng/năm.”

Còn trên địa bàn huyện Tủa Chùa, các hộ dân bản Bó, thị trấn Tủa Chùa là những hộ tiên phong trong chuyển đổi đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Do các chân ruộng cao lại ở cuối nguồn nên nhiều năm liền công trình thủy lợi bản Bó không thể cấp đủ nước sản xuất lúa. Ðược cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, từ năm 2017, 19 hộ dân bản Bó đăng ký chuyển đổi hơn 5ha đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Mô hình mang lại thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm. Là một trong 19 hộ dân ở bản Bó đã chuyển đổi cây trồng; bà Nguyễn Thị Lưu cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển 1.000m2 đất trồng lúa sang trồng mướp, cà pháo và rau an toàn sinh học. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.”

Không chuyển đổi cây trồng nhưng gia đình chị Quàng Thị Duyên, bản Na Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) lại tăng thu nhập từ trồng ngô vụ đông. Cứ thu hoạch lúa mùa xong, gia đình chị Duyên làm đất để trồng ngô vụ đông. Thời điểm này, hơn 2.000m2 ngô của gia đình đang trong thời kỳ thu hoạch. Chị Duyên cho biết: “Vụ đông năm nào tôi cũng trồng ngô để bán bắp non. Sau khi xuống giống khoảng 3 tháng là được thu hoạch. Trồng ngô vụ đông cho thu nhập gấp 2 lần so với trồng lúa. Trồng lúa chủ yếu là phục vụ gia đình, còn trồng ngô để bán; mỗi vụ ngô sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 5 triệu đồng/1.000m2.”

Cần giải pháp bền vững

Theo thống kê, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 999,65ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm với các loại cây: Ngô, đậu tương, cỏ, mía, dứa, hoa, dong riềng, bí xanh. Các diện tích sau khi chuyển đổi sang cây trồng khác đều có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa từ 1,5 - 2 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ðối với 2.283,16ha chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (gồm: Cây ăn quả, chè, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất) thì chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế cụ thể trong giai đoạn 2017 - 2020. Song hiện nay cây trồng trên các diện tích chuyển đổi được người dân chăm sóc, phát triển tốt.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, huyện Ðiện Biên tích cực tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, giá trị cao để tăng lợi nhuận. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Huyện luôn khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, cây giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế địa phương. Hàng năm, UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Trên cơ sở đó xây dựng các mô hình mẫu hướng dẫn nông dân triển khai; tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả không cao. Với cách làm đó, hiện nay toàn huyện hiện có 1.700ha đất nương trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, 300ha chuyển sang trồng mắc ca, 100ha đất bãi thấp chuyển sang trồng cây ăn quả. Ðối với khu vực lòng chảo sản xuất 2 vụ lúa, huyện khuyến khích trồng cây vụ 3 như: Khoai (Thanh An, Thanh Nưa); ngô (Hua Thanh); rau màu (Thanh Luông). Diện tích cây trồng vụ đông năm 2020 đạt 650ha, tăng 50ha so với năm 2019. Những diện tích chuyển đổi đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì cùng với việc không để đất bỏ hoang, sử dụng cây trồng có giá trị, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm vấn đề liên kết sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ bởi thời gian qua đầu ra của nông sản trên các diện tích chuyển đổi còn bấp bênh, chưa ổn định.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Lan Phương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây