Thông tin liên hệ

Phát triển các sản phẩm OCOP ở Điện Biên

Thứ sáu - 03/07/2020 14:56
Xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế để đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, là nội dung quan trọng, có tác động trực tiếp đến chương trình xây dựng nông thôn mới của Điện Biên.Trên cơ sở các sản phẩm lợi thế được mỗi địa phương phát triển, từ cuối năm 2018 đến nay tỉnh Điện Biên đã triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chương trình đang có những bước đi đúng hướng, tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Phát triển các sản phẩm OCOP ở Điện Biên

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hay chương trình OCOP, là chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Chương trình này có ý nghĩa phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là một nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

1
Cây Mắc ca

Ở Điện Biên chương trình được khởi động từ cuối năm 2018 dựa trên cơ sở xác định các sản phẩm lợi thế của 10 huyện, thị, thành phố. Có khá nhiều sản phẩm thế mạnh đặc trưng như: Lúa gạo đặc sản, chè shan tuyết, cà phê, dứa, sản phẩm dệt thổ cẩm và một số sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình.

Những năm gần đây các sản phẩm địa phương cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, hợp tác sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn cũng đã áp dụng được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng các chuỗi sản xuất hàng hóa an toàn thực phẩm. Với các sản phẩm trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhiều địa phương đang xúc tiến mạnh mẽ việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa. Ðây sẽ là các sản phẩm nông, công nghiệp, dịch vụ đặc trưng có sức cuốn hút.

Vùng lòng chảo huyện Điện Biên vốn là khu vực có nhiều lợi thế về xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Dựa trên lợi thế về đất đai, nguồn nước và kinh nghiệm sản xuất của người nông dân, nhiều năm nay các xã trong khu vực này đã có quy hoạch sản xuất hợp lí, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa nông sản khá rộng lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay huyện Điện Biên có hơn 6.000 ha đất sản xuất lúa và trên 2.400 ha hoa màu các loại. Bên cạnh tiềm năng về đất đai, nông dân các xã trên địa bàn huyện cũng xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả cao như: Mô hình trồng rau quả sạch, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản quy mô trang trại, gia trại, cung cấp nông sản theo nhu cầu thị trường.

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương đã có các cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm ưu thế; đồng thời tạo điều kiện cho các HTX liên kết với bà con nông dân xây dựng những mô hình sản xuất lớn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn do HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thực hiện là mô hình tiêu biểu.

1
Mô hình cánh đồng mẫu lớn do HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thực hiện là mô hình tiêu biểu.

Ngay từ năm 2015, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã kết hợp với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Điện Biên chất lượng cao. HTX cam kết hỗ trợ bà con từ giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm.

Thành công trong  liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản ngay từ vụ đầu tiên, sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thu hút được 80 hộ gia đình nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao của HTX cũng tăng lên từ 31 ha năm 2016 lên 70 ha. Sản phẩm gạo Tâm Sáng của HTX Thanh Yên đảm bảo 100% các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng gói với nhãn mác, bao bì, mã vạch quy chuẩn, được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.

Công ty TNHH Safe Green cũng tham gia liên kết sản xuất rau, quả hữu cơ trên địa bàn huyện Điện Biên. Công ty này có 1 trang trại trồng trên 50 loại rau, quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có 1 cửa hàng liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch với bà con nông dân một số xã, huyện trên toàn tỉnh.

Sản phẩm của chuỗi liên kết bao gồm các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP ; gạo Điện Biên, bánh khẩu xén thị xã Mường Lay. Các sản phẩm này tiêu thụ trên thị trường tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội. Các sản phẩm công ty liên kết với bà con nông dân sản xuất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Bà HOÀNG THỊ HIÊN, Giám đốc Công ty TNHH Safe Green Điện Biên cho biết: Công ty chúng tôi liên kết với HTX Thanh Đông và bà con nông dân các xã Thanh An, Thanh Xương sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm. Sản phẩm liên kết được trồng và thu hái theo quy trình, kiểm định chất lượng, nên đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm vì vậy cũng được đảm bảo hơn.

Cùng với huyện Điện Biên, các địa phương khác trên toàn tỉnh cũng tích cực triển khai chương trình OCOP tới bà con nông dân. Qua đánh giá các mô hình kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp có triển vọng của các huyện, thị, thành phố, tỉnh Điện Biên đã khuyến khích mạnh mẽ những sản phẩm lợi thế được đề xuất từ các xã.

1
Được hỗ trợ bởi các chính sách kịp thời, sản phẩm bánh khẩu xén đang được sản xuất và tiêu thụ rất ổn định trên thị trường

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Điện Biên đặt ra mục tiêu lựa chọn được 21 sản phẩm đạt chuẩn Chương trình OCOP, trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm và hoa quả tươi như: Gạo Ðiện Biên chất lượng cao, miến dong Mường Phăng, thịt sấy khô, cá nước lạnh Tênh Phông, bánh khẩu xén Mường Lay, dứa Na Sang, vú sữa Thanh Hưng, cam Mường Nhé và một số sản phẩm thủ công khác.

Để đạt được mục tiêu này, các địa phương đã vận dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho nông dân từ nhiều chương trình khác nhau, trợ giúp bà con xây dựng vùng chuyên canh, liên kết với doanh nghiệp và với HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều xã, huyện đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, tạo ra các sản phẩm độc đáo có chất lượng cao, được thi trường ưa chuộng.

Những năm gần đây sản phẩm bánh khẩu xén của bà con dân tộc Thái thị xã Mường Lay được quảng bá và bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm này được nhiều người yêu thích. Từ một loại bánh thuộc dạng bánh phồng tôm truyền thống làm từ gạo và sắn, có hương vị thơm ngon dùng trong gia đình, người dân thị xã Mường Lay đã phát triển sản phẩm này thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng.

Sản phẩm truyền thống của bà con Mường Lay đang được thị xã hỗ trợ thành sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện bà con xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay đã thành lập được HTX sản xuất bánh khẩu xén. HTX này tham gia liên kết với người làm nghề và đóng vai trò quan trong tiêu thụ sản phẩm truyền thống độc đáo của địa phương.

Được hỗ trợ bởi các chính sách kịp thời, sản phẩm bánh khẩu xén đang được sản xuất và tiêu thụ rất ổn định trên thị trường. Hiện nay bánh khẩu xén được tiêu thụ quanh năm ở khắp trong và ngoài tỉnh, đem đến cho người dân Mường Lay nguồn thu nhập thường xuyên.

Chị LÒ THỊ GIANG. Bản Chi Luông – phường Na Lay - thị xã Mường Lay cho biết: Bánh khẩu xén là loại bánh truyền thống của người Thái trắng Mường Lay. Bánh này được làm từ gạo nếp nương và màu thì là màu của các loại lá tự nhiên. Bánh khẩu xén thành phần gồm gạo, đường, sữa, màu lá.

Bánh chi chop, cũng được làm từ gạo nếp. Màu đỏ là màu của gấc, màu vàng là màu của hoa rừng, màu tím là màu của một loại lá tím. Bánh chi chop làm cầu kì hơn, phải đồ xôi 2 lần thì mới làm được. Bánh này giờ được tiêu thụ ở nhiều nơi, Lai Châu, Điện Biên và cả Hà Nội. Mỗi năm mình cũng bán được cả tấn bánh này, cũng có thêm thu nhập.

Ở huyện Tuần Giáo, chính quyền địa phương cũng không ngừng tìm kiếm các sản phẩm lợi thế có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP. Là huyện có địa hình chia cắt thành các khu vực có điều kiện địa hình, khí hậu khác nhau, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung phát triển loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thu hút đầu tư, phát triển.

Không ít xã khó khăn của huyện Tuần Giáo đã xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo ra những sản phẩm hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân như: Mía, dứa, sa nhân ở xã Pú Nhung; mô hình trồng sa nhân, nuôi cá nước lạnh ở xã Tênh Phông; mô hình trồng táo mèo, sa nhân, thảo quả ở xã Tỏa Tình.

Những sản phẩm này đã bước đầu thu hút được sự quan tâm đầu tư của một số doanh nghiệp địa phương. Cũng ở địa phương này, gần đây mô hình trồng cây chanh leo cũng đang được phát triển rộng rãi.  Gia đình bà Bạc Thị Hoan ở thị trấn Tuần Giáo trồng hơn 500 gốc chanh leo tím trên vườn đồi của gia đình. Mô hình của gia đình bà được sản xuất theo mô hình liên kết với doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho gia đình. Bà Bạc Thị Hoan rất yên tâm về đầu ra cho sản phẩm này. Quả chanh leo chín đúng độ, chất lượng đảm bảo, sau khi thu hái sẽ được doanh nghiệp phân loại và định giá. Giá chanh leo tươi vừa thu hái từ 20 đến 25 nghìn đồng/1kg. Mỗi lứa thu hoạch, gia đình bà Bạc Thị Hoan hái được hơn 1 tấn chanh.

Mỗi tấn chanh như vậy gia đình bà bán được 25 triệu đồng. Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đang là hướng đi giúp bà con nông dân Tuần Giáo có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo về đầu ra, tiến tới xây dựng thành sản phẩm OCOP cho địa phương.

1
Mô hình trồng cây chanh leo cũng đang được phát triển rộng rãi ở huyện Tuần Giáo

Bà BẠC THỊ HOAN, thị trấn Tuần Giáo – huyện Tuần Giáo cho biết: Gia đình tôi trồng 400 gốc chanh leo, cây này trồng 5 tháng thì được thu hoạch. Chanh leo dễ trồng, chỉ cần thường xuyên nhổ cỏ, bón phân cho cây thì cây có thể phát triển tốt. Khi thu hái công ty dưới kia bao tiêu mua hết.

Trên cơ sở các sản phẩm lợi thế được các địa phương phát triển, năm 2019, tỉnh Điện Biên lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP. Đó là các sản phẩm như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng. Quy trình xét sản phẩm OCOP được thực hiện theo 6 bước trên nguyên tắc người dân làm chủ thể.

Theo đó sản phẩm phải có chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường, có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp người dân nâng cao thu nhập. Để phát triển các sản phẩm lợi thế, năm 2019 tỉnh đã bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các địa phương xây dựng những sản phẩm lợi thế này thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Các huyện vùng cao của tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tuy nhiên đây lại là các địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Huyện Tủa Chùa có 2 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt trong Ðề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 là Chè Tuyết Shan và rượu Mông Pê.

Để phát triển các sản phẩm này, không chỉ cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, mà còn cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp có năng lực. Gặp không ít khó khăn trong phát triển sản phẩm chè Shan tuyết, 2 năm trở lại đây Tủa Chùa đang nỗ lực kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm này.

Tuy gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh thị trường cũng như quảng bá sản phẩm, nhưng công ty TNHH Hương Linh vẫn đang nỗ lực hết mình kêu gọi bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm chè búp shan tuyết chất lượng cao. Đây là bước đầu tiên để phát triển sản phẩm OPOC của huyện.

Ông LÊ THANH BÌNH, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Ðối với sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa, huyện và ngành chuyên vẫn luôn khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm.

Năm 2018 - 2019 các doanh nghiệp địa phương đang bị cạnh tranh giá thu mua bởi các thương nái người Trung Quốc và Lào vào địa bàn thu mua. Chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp như: hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, để họ tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm này.

Điện Biên là tỉnh dân cư chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.  Tuy nhiên trình độ sản xuất ở các khu vực trên toàn tỉnh hiện nay chưa đồng đều. Các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phát triển chủ yếu ở các xã, huyện vùng thấp.

Tại các huyện vùng cao khó khăn, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng chưa tìm được cách khẳng định chỗ đứng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực tế này đang đòi hỏi các địa phương phải xây dựng được chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng, đồng thời đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp lợi thế.

Chính sách hỗ trợ kịp thời cho phát triển các loại cây, con chủ lực và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho người nông dân, có ý nghĩa rất quan trọng để bà con nông dân nuôi, trồng được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu và quảng bá cho các sản phẩm đặc trưng này, cũng là khâu rất quan trọng để mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm địa phương. Sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng đảm bảo, đã được công nhận thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, là những tiêu chí quan trọng để được công nhận là sản phẩm OCOP.

Những năm gần đây, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã có nhiều hoạt động cụ thể thiết thực.

Sở NN&PTNT hỗ trợ thành lập các HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả ; hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với sản phẩm lúa gạo Điện Biên. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã hỗ trợ các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện chỉ dẫn địa lí gạo Điện Biên và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm khác như: Cà phê Mường Ảng, thịt trâu khô Mường Then. Sở Công thương cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Điện Biên giới thiệu sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ trên toàn quốc và hội chợ thương mại quốc tế.
 

Tại Hội chợ Thương mại quốc tế năm 2019, 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Điện Biên đã được vinh danh, bao gồm các sản phẩm thuộc 5 nhóm hàng hóa: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, đồ may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và dịch vụ du lịch. Nhiều sản phẩm nông, công nghiệp, thủ công nghiệp có giá trị kinh tế cao và có sức cuốn hút của Điện Biên được giới thiệu, quảng bá qua các hội chợ như thế này.

Ông VŨ HỒNG SƠN. Phó Giám đốc Sở Công thương Điện Biên cho biết: Điện Biên chúng ta có nhiều sản phẩm tiêu biểu như: chè, cà phê, dệt thổ cẩm và các sản phẩm công nghiệp nông thôn khác. Đây là những sản phẩm có vai trò quan trọng giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Hàng năm Sở Công thương Điện Biên đã tổ chức nhiều đợt đưa các sản phẩm tiêu biểu tham gia các hội chợ thương mại vùng, hội chợ thương mại toàn quốc, nhằm giúp bà con và doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm của mình tới đông đảo người dân.

Điện Biên có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp đặc trưng. Nếu chúng ta nếu phát huy tốt các sản phẩm này, sẽ giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các huyện, thị, thành phố tích cực triển khai và được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ. Đây được đánh giá là chương trình sẽ tạo sức bật cho các xã xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Nguồn tin: Minh Giang – Anh Tuấn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây