Thông tin liên hệ

Phát triển kinh tế tập thể không chạy theo số lượng

Thứ sáu - 20/08/2021 10:14
Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Điện Biên đã góp phần tái cơ cấu nền kinh tế; tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên và người lao động.
Thành viên HTX Thủy sản Pe Luông (huyện Điện Biên) thu hoạch cá.
Thành viên HTX Thủy sản Pe Luông (huyện Điện Biên) thu hoạch cá.

Đến nay, toàn huyện có 44 HTX và tổ hợp tác với 4.778 thành viên; tổng số vốn điều lệ gần 145 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên và lao động trong các HTX đạt 121 triệu đồng/người/năm; doanh thu lãi bình quân của một HTX đạt 667 triệu đồng/năm. Trong đó, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh thu bình quân ước đạt hơn 261 triệu đồng/năm; lĩnh vực công thương, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 950 triệu đồng/năm và trong lĩnh vực xây dựng đạt 1,2 tỷ đồng/năm.

Kinh tế tập thể có bước phát triển đã đóng góp vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX tham gia liên kết chuỗi, làm cầu nối gắn kết sản xuất giữa các hộ dân với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như: HTX Thổ cẩm Lào Na Sang II liên kết sản xuất hàng thổ cẩm xã Núa Ngam; chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ gạo của các HTX sản xuất nông nghiệp sạch Thanh An, HTX dịch vụ tổng hợp xã Thanh Yên… Việc phát triển theo chuỗi giá trị, với đơn vị chủ trì trong chuỗi liên kết là các HTX đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt từ 2 sao trở lên thuộc các chủ thể là HTX.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Kinh tế tập thể đã có bước phát triển, tuy nhiên hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và yêu cầu thực tiễn. Chất lượng một số HTX còn thấp; việc liên kết, liên doanh với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác còn ít; số lượng HTX giải thể còn nhiều. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 31 HTX thành lập mới nhưng có đến 32 HTX giải thể. Cùng với đó, quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ, doanh thu, thu nhập còn thấp; trình độ, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân do các chính sách hỗ trợ tuy nhiều nhưng chưa đủ mạnh, có nhiều điểm chưa phù hợp, hầu hết lồng ghép với các chương trình khác; thiếu cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho các HTX. Luật HTX năm 2012 quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng thực tế các chính sách này hầu như HTX không được hỗ trợ. Có 6/9 chính sách chưa được thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn trên (hỗ trợ đất đai, tín dụng, xúc tiến thương mại…); một số chính sách hỗ trợ như: Chế biến sản phẩm, đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ một số ít đơn vị được thụ hưởng (mới có 5 HTX được hỗ trợ). Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể hiện nay theo phân cấp và theo lĩnh vực chuyên ngành chưa được quan tâm. Đặc biệt, ở cấp huyện, cơ quan được phân công cấp phép, cấp giấy chứng nhận hoạt động cho các HTX là Phòng Tài chính - Kế hoạch, tuy nhiên cán bộ theo dõi lĩnh vực này không có chuyên môn đối với các lĩnh vực chuyên ngành. Ngoài ra, về nội tại các HTX, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh còn thiếu, công nghệ sản xuất còn lạc hậu; trình độ quản lý còn hạn chế nên khả năng tiếp cận các chính sách chưa được nhiều.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) là một trong nhiều HTX hiện đang gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất, mở rộng liên kết trong quá trình thực hiện.

Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh cho biết: Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần tích tụ ruộng đất lớn, tập trung. HTX đang gặp khó khăn, vướng mắc về tích tụ đất đai (đang thuê đất của người dân), mở rộng liên kết với người dân hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đơn cử hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều diện tích lúa một vụ bỏ hoang do thiếu nước, nhưng việc cho HTX thuê lại để chuyển đổi cây trồng ngắn ngày còn khó khăn do tâm lý e ngại và việc thiếu cập nhật thông tin về sản xuất nông nghiệp của người dân. Bên cạnh đó, việc cho thuê lại đất hoàn toàn mang tính thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, không có quy định hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng. Công tác quy hoạch vùng chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên địa bàn huyện chưa cụ thể, chi tiết đến từng xã, bản; chưa có chính sách hỗ trợ cho các HTX khi thuê lại đất của các hộ gia đình tại địa phương. Mặt khác, việc mở rộng liên kết với người dân hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết với hộ nông dân cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.

Trong giai đoạn tới, việc phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện, nhưng cần hướng đến chất lượng, không gò ép chạy theo số lượng. Để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như phát huy hiệu quả vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về: Tiếp cận nguồn vốn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt hạ tầng chế biến, bảo quản và thương mại.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Văn Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây