Thông tin liên hệ

“Lá chắn xanh” trong phòng, chống thiên tai

Thứ ba - 20/07/2021 15:11
Rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn là “lá chắn xanh” hữu hiệu góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh ta với nhiều biểu hiện, như: Giông sét, lốc gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất; rét đậm rét hại… Từ năm 2020 đến nay thiên tai đã gây thiệt hại hơn 271 tỷ đồng tài sản của Nhà nước và nhân dân; làm 6 người chết, 7 người bị thương. Trước diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, công tác bảo vệ và phát triển rừng được xem là giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu, phòng chống thiên tai.
Người dân bản Nong, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) vận chuyển cây giống để trồng rừng phòng hộ.
Người dân bản Nong, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) vận chuyển cây giống để trồng rừng phòng hộ.

Nhiều biện pháp thực hiện trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương trong tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó chú trọng các biện pháp quản lý chặt chẽ diện tích rừng trên địa bàn, đặc biệt tại các khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất, không để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, xâm hại rừng...

Rừng phòng hộ có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường nên từ nhiều năm nay công tác quản lý, bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Trong năm 2021 tỉnh giao các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với tổng diện tích 150ha, trong đó các huyện: Điện Biên 20ha, Tuần Giáo 45ha, Mường Chà 35ha và huyện Mường Ảng 50ha.

Để hoàn thành kế hoạch này, huyện Mường Ảng đã tích cực vận động nhân dân tham gia trồng rừng, chuẩn bị địa bàn, cây giống và tổ chức thiết kế để chủ động thực hiện chỉ tiêu được giao. Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đã nâng cao nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển rừng nói chung và vai trò của rừng phòng hộ trong phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Vì vậy bà con đều tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký trồng rừng phòng hộ. Theo kế hoạch của tỉnh giao trồng mới 50ha rừng phòng hộ; qua khảo sát thực tế và nhu cầu, nguyện vọng đăng ký trồng mới của người dân khu vực đầu nguồn, đến nay huyện đã trồng mới được 50ha rừng phòng hộ tập trung; 63ha rừng phòng hộ thay thế tại 2 xã Ngối Cáy và Ẳng Tở. Cây trồng là giống dổi găng, dổi mỡ - loài cây gỗ lớn vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng trong bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai.

Không chỉ tập trung bảo vệ, phát triển rừng, trồng mới rừng tập trung; tỉnh đã và đang tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng; ý nghĩa của việc trồng cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, từ đó động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.

Đối với trồng cây xanh tập trung, chủ đầu tư các dự án phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các hộ nhận khoán thực hiện đầy đủ, đảm bảo các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng… Mục tiêu tới hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng 3.868.370 cây xanh (trong đó 170.690 cây xanh phân tán; 3.697.680 cây xanh tập trung) góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 45,5%; bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và phát huy cao nhất hiệu quả “lá chắn xanh” trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Minh Thùy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây