Thông tin liên hệ

Nhiều thành quả trong phổ cập giáo dục tỉnh Điện Biên

Thứ tư - 14/04/2021 15:20
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã hoàn thành chuyến kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) THCS mức độ 2 đối với tỉnh Ðiện Biên. Ðoàn kết luận Ðiện Biên đủ các tiêu chuẩn để đề xuất công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 năm 2020. Với kết quả đó, Ðiện Biên dù là tỉnh miền núi trong top nghèo nhất cả nước đã có kết quả PCGD và xóa mù chữ xếp thứ 11 toàn quốc.
Nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân học sinh, duy trì sĩ số. Trong ảnh: Một giờ tự học buổi tối của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên).
Nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân học sinh, duy trì sĩ số. Trong ảnh: Một giờ tự học buổi tối của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên).

Xác định tri thức là “con đường” bền vững giúp người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo. Vì vậy những năm qua công tác giáo dục và đào tạo luôn được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tỉnh Ðiện Biên đặc biệt quan tâm. Tỉnh cân đối các nguồn lực, rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng chính sách hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đến trường. Ngành Giáo dục và Ðào tạo ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý đảm bảo chất lượng, số lượng cho các trường trên địa bàn, đặc biệt là xã vùng sâu, biên giới, đặc biệt khó khăn. Các nhà trường tích cực huy động tối đa học sinh trong độ tuổi phổ cập đến lớp, học sinh bỏ học quay trở lại trường. Các xã cũng nỗ lực, phân công cán bộ chủ chốt, các tổ chức đoàn thể phụ trách các thôn, bản chịu trách nhiệm huy động học sinh ra lớp. Trưởng thôn, bản cùng cán bộ, giáo viên đến từng hộ dân, từng học sinh để tuyên truyền, vận động duy trì sĩ số và xây dựng hương ước thôn, bản về việc cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng…

Nhờ đó, Ðiện Biên đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS mức độ 1 từ năm 2008. Hiện tại, 100% xã, huyện duy trì đạt chuẩn mức độ 1 và nâng lên mức độ 2. Ðể được đề xuất công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 năm 2020, nhiều kết quả được ghi nhận, trong đó, trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt từ 97,6% trở lên, tỷ lệ trẻ 15 tuổi vào học lớp 10 đạt từ 62,5% trở lên; số thanh, thiếu niên độ tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp THCS đạt 92,6%, đã và đang học THPT hoặc tương đương đạt 67,6%. Ngoài ra, 79/129 xã đã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Cùng với đó, Ðiện Biên đã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2 năm 2016, đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2014. Ðến năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 429 trường, trung tâm giáo dục với 7.385 lớp, hơn 203.000 học sinh, sinh viên.

Một trong những khó khăn chung trong công tác PCGD của hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh ta là huy động, duy trì học sinh đến lớp. Ðặc biệt học sinh cấp THCS là lực lượng lao động quan trọng trong gia đình, nhiều học sinh khó khăn có nguy cơ nghỉ học. Tại huyện Mường Ảng, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán và nghỉ phòng, chống dịch đầu năm 2021, có 71 học sinh bỏ học, trong đó cấp THCS 36 em, THPT 35 em, và nhiều học sinh đi học không chuyên cần. Nắm bắt tình hình đó, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường THCS, THPT tại địa bàn để tìm giải pháp. Qua buổi làm việc, UBND huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, Công an huyện, Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể, UBND các xã, các trường cùng phối hợp, trách nhiệm trong huy động học sinh trở lại trường, đi học chuyên cần; nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút học sinh; quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, việc ăn, ở của học sinh, xã hội hóa để các em có điều kiện tham gia học tập. Ðồng thời có biện pháp đối với những gia đình bao che, cố tình cho con em đi làm ăn xa khi chưa đến tuổi lao động và xử lý nghiêm phụ huynh để con em là học sinh lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn; làm tốt công tác hướng nghiệp gắn với đào tạo nghề… Qua đó đã vận động được nhiều học sinh đi học trở lại và đi học chuyên cần.

Không chỉ Mường Ảng, các địa phương trong toàn tỉnh đều triển khai các giải pháp tương tự để duy trì sĩ số học sinh. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo khẳng định: “Ðể có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ðiện Biên và lòng yêu nghề, chung tay, nỗ lực hết mình của đội ngũ giáo viên toàn ngành trong công tác PCGD - xóa mù chữ”. Với sự cộng đồng trách nhiệm đó, nhận thức về giáo dục của toàn xã hội được nâng lên rõ rệt. Người dân vùng cao quan tâm hơn đến quyền lợi, nghĩa vụ học tập và tạo điều kiện cho con em đến trường.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Bảo Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây