Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc thiểu số với trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp, đất đai màu mỡ phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ nguồn nhân lực phong phú, quỹ đất sản xuất dồi dào, Điện Biên đã chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi mạnh mẽ một số diện tích có năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng rừng, cây cà phê, cây cao su, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế. Tỉnh Điện Biên đã hình thành các vùng lúa, ngô trọng điểm ở các huyện như: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Đồng thời nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất cao đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực của toàn tỉnh lên gần 230 ngàn tấn. Từ đó, mục tiêu an ninh lương thực được đảm bảo, mặt khác thông qua chủ trương dồn điền đổi thửa, nền nông nghiệp của tỉnh đã quy hoạch được những vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu để hình thành những vùng lúa chất lượng cao. Đi đôi với phát triển sản xuất lương thực kết hợp với trồng rừng, trồng cây công nghiệp, kết hợp với mô hình kinh tế trang trại phát triển chăn nuôi gia súc. Vì vậy đã đưa kinh tế nông thôn nông nghiệp Điện Biên ngày càng phát triển đi lên. Có thể nói, từ định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng đắn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nên những đổi thay sâu sắc trong đời sống nông dân Điện Biên; mở ra một thời kỳ phát triển mới ở nông thôn, sản xuất theo hướng chuyên canh gắn liền với khoa học kỹ thuật tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay cây chè, cà phê, dong riềng và cao su đã nhanh chóng chiếm lĩnh một diện tích lớn, đem lại thu nhập cao cho người lao động. Cây công nghiệp ngắn ngày gồm: Đậu tương, lạc, bông đã được quy hoạch và mở rộng diện tích. Nhiều nông dân trước đây cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nay được giao đất, được giới thiệu những mô hình sản xuất mới đã mạnh dạn đầu tư tập trung khai thác theo hướng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi trâu bò sinh sản, trồng rừng nên thu được hiệu quả kinh tế cao. Những chuyển biến tích cực trên đã tạo nên sự khởi sắc vùng quê trước đây được xem là nghèo khó.
Thực hiện các chương trình 327, 661, công tác khoanh nuôi, trồng mới, chăm sóc bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả vững chắc. Cũng từ công tác vận động nông dân tích cực trồng rừng kinh tế, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhiều mô hình vườn rừng, vườn đồi hiệu quả đã xuất hiện ở Điện Biên. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng để lập trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, trồng hàng trăm ha rừng, trở thành những triệu phú nông dân và tạo ra những mô hình kinh tế được nhân rộng.
Mô hình nuôi cá lồng ở thị xã Mường Lay.
Ông Sùng Chứ Thếnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: "Thông qua các phong trào đã có hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Cũng thông qua phong trào của hội đã góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh (Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2010 là 50,01% đến năm 2012 giảm xuống còn 38%). Hội Nông dân cũng vận động bà con nông dân góp công, góp của làm đường giao thông liên thôn bản, xây dựng nhà bán trú dân nuôi, nạo vét kênh mương, góp đất để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở... qua đó đã từng bước cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới."
Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn ha mặt nước ao hồ nuôi tôm cá, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 3.200 tấn. Đặc biệt là nghề nuôi cá đã trở thành nghề sản xuất hàng hóa quan trọng. Điều đáng ghi nhận là nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, trong đó có rất nhiều lao động chuyển từ lao động nông nghiệp sang. Đây là một minh chứng cho thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế những năm vừa qua của Điện Biên.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, những năm qua, mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đang từng ngày, từng giờ hồi sinh, người Điện Biên đã kiên trì bám trụ cùng với đất và rừng để xây dựng quê hương vượt qua đói nghèo, vươn tới giàu đẹp. Một điều dễ nhận thấy ở nông thôn Điện Biên hôm nay là cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống nhân dân đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư. Đến năm 2013, 100% xã phường có điện lưới quốc gia, các công trình giao thông nông thôn, trạm xá, trụ sở làm việc, trường học, các công trình thủy lợi được đầu tư càng nhiều. Nông dân ngày càng yên tâm phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Tuy nhiên, thực tế nông thôn Điện Biên hiện nay trình độ sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp và chưa đồng đều, quan hệ sản xuất trong nông thôn cần được củng cố; lao động ở nông thôn không đủ việc làm, chưa được đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp chưa gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đây là những trở ngại thách thức lớn trong việc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo chủ trương của Đảng. Vì vậy, để nông dân nhanh chóng tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cần đẩy mạnh nâng cao dân trí, phổ biến tuyên truyền khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình dự án trình diễn, tập huấn, dạy nghề, chuyển dịch cơ cấu theo hướng khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, từng bước đưa nông thôn Điện Biên đi lên theo hướng hiệu quả bền vững, có chất lượng, sức cạnh tranh cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.