Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Người dân huyện Mường Ảng (Ðiện Biên) thu hoạch cà-phê, loại cây trồng chủ lực của địa phương.
Ưu tiên phát triển cây trồng thế mạnh theo vùng
Trao đổi về kết quả thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp dựa vào các loại cây thế mạnh của từng địa bàn là nội dung cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất trong thực hiện đề án. Cùng với phát triển tập trung cây trồng theo vùng, các cơ quan chức năng và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, đề xuất chính sách thúc đẩy liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp, để liên kết sản xuất theo chuỗi, đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đi thẳng từ nơi sản xuất về nơi tiêu thụ uy tín, thay vì phải đi "lòng vòng" qua nhiều khâu mà vẫn long đong cảnh "được mùa mất giá".
Dễ nhận thấy nhất và hiệu quả rõ ràng nhất trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, phải kể đến cách làm của huyện Mường Chà với việc thực hiện thí điểm "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng dứa an toàn trên phạm vi toàn quốc". Thực hiện mô hình là Hợp tác xã Na Sang với 54 hộ dân tham gia trên 61 ha. Ông Lê Thanh Tâm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Na Sang cho biết: Khi chưa tham gia mô hình thí điểm này, dứa Mường Chà rất khó tiêu thụ, giá thấp nên người dân không mặn mà. Toàn huyện có gần 200 ha dứa tập trung tại hai xã là Mường Mươn và Na Sang, nhưng mùa dứa về, bà con phải đi khắp nơi để bán. Quãng đường di chuyển xa, thời gian đi lại nhiều trong khi dứa là loại quả nhanh hỏng, khiến người trồng rất nản lòng. Có người dù mới trồng không lâu đã suy tính tìm cây khác thay thế. Thấy được thực trạng đó, UBND huyện Mường Chà đã chủ động đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðiện Biên hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình chuỗi cung ứng dứa an toàn. Theo đó, từ khi tham gia mô hình (tháng 3-2017) đến nay, người trồng dứa được hỗ trợ kỹ thuật bón lót, làm cỏ cho dứa từ khi trồng gốc đến khi thu quả, vừa giảm chi phí lại bảo đảm an toàn sản phẩm. Cuối tháng 11-2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho quả dứa của Hợp tác xã Na Sang, giúp dứa Mường Chà khẳng định thương hiệu. Hiện nay, sản phẩm dứa Mường Chà đã được bày bán tại Siêu thị Tâm Ðỏ, gian hàng trưng bày sản phẩm rau củ quả an toàn của Công ty Thực phẩm an toàn Sape Green (TP Ðiện Biên Phủ) và một số siêu thị tại Hà Nội. Với giá bán trung bình từ 5.000 đồng/quả, trên mỗi héc-ta dứa, người nông dân sẽ thu 250 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Trên diện tích 61 ha thí điểm của Hợp tác xã Na Sang cho sản lượng 2.100 tấn quả/năm. Mô hình chuỗi thực phẩm an toàn cho cây dứa được kỳ vọng là cách làm hiệu quả để tới đây, Mường Chà cũng như các huyện khác trong tỉnh áp dụng làm theo.
Với huyện Mường Ảng, việc ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực trong triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu được thể hiện bằng sự quyết liệt từ chính quyền. Là huyện có diện tích cà-phê lớn nhất tỉnh (3.311 ha), chất lượng có tiếng trong cả nước, vậy nhưng nhiều năm qua, người trồng cà-phê ở Mường Ảng chưa sống được nhờ cây cà-phê do cứ quẩn quanh khi "được mùa mất giá". Ðể nâng cao giá trị cà-phê, giúp người nông dân yên tâm với cây trồng này, niên vụ 2017-2018, lãnh đạo Huyện ủy, HÐND, UBND huyện Mường Ảng đã thống nhất thành lập Tổ tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu hái, sơ chế cà-phê trấu. Các thành viên tổ tuyên truyền là cán bộ các phòng, ban chuyên môn của huyện có trách nhiệm thông tin, tìm kiếm các đơn vị thu mua có uy tín để cung cấp cho nhân dân; cùng với đó, tổ tuyên truyền còn hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái, sơ chế cà-phê trấu, đáp ứng yêu cầu của đối tác thu mua. Với cách làm đó, niên vụ cà-phê 2017 - 2018, toàn huyện thu gần 37 nghìn tấn quả tươi (tương đương 7.500 tấn cà-phê trấu), với giá 38 nghìn đồng/kg cà-phê trấu, người trồng thu về hơn 28 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi về cách làm, kinh nghiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: Chính quyền quy hoạch, định hướng vùng và chính quyền phải "xắn tay" cùng người nông dân tìm thị trường ổn định. Có như thế, cây cà-phê Mường Ảng mới tránh được cảnh trồng rồi lại phá như nhiều năm trước. Tới đây, Mường Ảng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất cà-phê theo chứng nhận tiêu chuẩn UTZ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Dưới sự chỉ đạo tập trung và sự vào cuộc tích cực của các huyện trong toàn tỉnh, sau hơn ba năm triển khai đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững", mà trong đó có nội dung ưu tiên phát triển cây trồng thế mạnh theo từng vùng, toàn tỉnh Ðiện Biên đã có 11 sản phẩm, nhóm sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và có giá trị cao, là: Chè san tuyết Tủa Chùa, sản phẩm gạo Ðiện Biên, dứa Mường Chà, cà-phê Mường Ảng… được chứng nhận theo chuỗi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng nông sản mang thương hiệu Ðiện Biên. Ðến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 2.326,6 tỷ đồng, so với năm 2014 - thời điểm chưa triển khai đề án tái cơ cấu, tăng 195 tỷ đồng.
Tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Là tỉnh có địa hình, khí hậu đa dạng, Ðiện Biên xác định, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường; có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Theo đó, Ðiện Biên xác định ứng dụng khoa học - công nghệ là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh Ðiện Biên đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư... tham gia phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch theo chuỗi, như: Doanh nghiệp thương mại tư nhân Hoa Ba, sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ; Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên, Công ty TNHH thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7…
Qua thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi, nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp dần được hình thành; nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn. Không ít sản phẩm nông nghiệp của Ðiện Biên được nhân dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Ðây là tiền đề quan trọng để sản phẩm nông nghiệp Ðiện Biên khẳng định chỗ đứng trên các thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây trồng chủ lực theo thế mạnh từng vùng ở Ðiện Biên còn hạn chế. Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Văn Quân cho biết: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang phát triển những cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định còn chậm. Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường cho nên hiệu quả chưa cao; sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít; phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đang được tiêu thụ và xuất bán ở dạng thô, giá trị thấp. Thu hút các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành.
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện tiến hành ngay việc lựa chọn, xác định từ hai đến ba cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh, để đưa vào sản xuất theo chuỗi liên kết; trên cơ sở đó, UBND cấp huyện phải có kế hoạch ưu tiên nguồn lực và chính sách thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Với các sản phẩm đã được sản xuất theo chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp sẽ dành nguồn lực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm thị trường trong nước, quốc tế; coi trọng công tác truyền thông để tạo đồng thuận và thay đổi nhận thức xã hội về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với sức khoẻ con người. Ngoài Quyết định 25 của UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tới đây ngành nông nghiệp tham mưu tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp nhu cầu của thị trường, xây dựng thêm nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương mang nhãn hiệu Ðiện Biên.
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin cũ hơn