Thông tin liên hệ

Những nông dân vượt khó làm giàu

Thứ ba - 23/06/2020 22:10
“Nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” là một trong những phong trào được Hội Nông dân huyện Ðiện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của hội viên. Nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Phong trào Thi đua sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững được nông dân huyện Ðiện Biên tích cực hưởng ứng. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) thu hoạch vải.
Phong trào Thi đua sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững được nông dân huyện Ðiện Biên tích cực hưởng ứng. Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) thu hoạch vải.

Anh Ðỗ Văn Bình, đội 8, xã Thanh Xương là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, tiên phong xây dựng và phát triển mô hình nuôi ong lấy mật làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở xã Thanh Xương thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật nên từ cuối năm 2014, anh Bình quyết định đầu tư hơn 50 tổ ong Ý. Ban đầu, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, anh Bình thất bại vì ong chết hàng loạt bởi bệnh dịch, vỡ đàn do cạnh tranh giữa các loài ong bản địa trong tự nhiên. Không nản chí, anh Bình tiếp tục vừa nuôi vừa học hỏi kỹ thuật từ nhiều nguồn khác nhau như: Internet, sách báo, kinh nghiệm của những người nuôi ong trước... Qua mỗi mùa nuôi ong, anh Bình cẩn thận ghi chép, tích lũy kinh nghiệm và dần làm chủ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh dịch cho đàn ong. Ðến nay, đàn ong kinh doanh của anh Bình đã phát triển hơn 400 tổ; trung bình mỗi tháng, mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 1 - 2 lần tùy theo thời tiết.

Với giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy theo từng loại mật, hàng năm anh Bình có nguồn thu ổn định từ 150 - 200 triệu đồng. Không những thế anh Bình còn giúp hàng chục lao động địa phương có thêm việc làm vào những ngày nông nhàn. Theo anh Bình, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng quá trình chăm sóc lại đòi hỏi kỹ thuật, cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong như di chuyển, ăn, xây tổ, chia đàn. Hiện nay trên địa bàn xã Thanh Xương đã có 7 hộ gia đình học tập anh Bình phát triển nghề nuôi ong lấy mật; nguồn thu nhập từ nuôi ong đã giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Khác với anh Bình, ông Hoàng Văn Vương, thôn Thanh Bình - Co Rốm, xã Thanh Nưa tập trung phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp: Nuôi cá, lợn thịt, gà, vịt, ngan. Nhắc đến ông Vương, nhiều người biết đó là điển hình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng mô hình trang trại tổng hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Vương chia sẻ: Trước đây, thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, năm 2018 gia đình vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng LienViet Postbank, cùng với số tiền tích lũy của gia đình, tôi đã đầu tư phát triển trang trại với diện tích hơn 4.000m2. Trong đó xây dựng chuồng trại nuôi lợn với quy mô 100 con lợn thịt, 5 con lợn nái sinh sản; duy trì 1.500 con gà, ngan, vịt và đào 2.000m2 ao thả cá. Ngoài ra, tôi đầu tư máy xay xát gạo phục vụ chăn nuôi và làm dịch vụ.

Mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình ông Hoàng Văn Vương được thực hiện khép kín: Lợn nái sản xuất con giống tại chỗ đảm bảo chất lượng để nuôi lợn thịt; chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất khí ga làm chất đốt cho gia đình; phụ phẩm dịch vụ xay xát làm thức ăn cho lợn, cá, gà, ngan, vịt. Năm 2019, gia đình ông đã xuất bán 3 tấn lợn thịt, 2 tấn vịt, 12 tấn cá và 500 con gà... tổng thu nhập đạt 820 triệu đồng. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay ông Vương đã trở thành một trong những hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế hộ. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Vương còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động; luôn sẵn sàng giúp các hộ nghèo trong thôn về cây con giống, cho vay vốn không lấy lãi, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm... để phát triển kinh tế.

Ông Lò Văn Lún, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ðiện Biên cho biết: Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện chú trọng triển khai phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Nó trở thành động lực giúp người nông dân vươn lên, là điểm tựa để họ phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.

Nguồn tin: Thành Đạt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây