Thông tin liên hệ

Hiệu quả mô hình chăn nuôi liên kết chất lượng cao

Thứ năm - 04/06/2020 10:14
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết an toàn, bền vững, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý chặt chẽ về con giống, dịch bệnh và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
Gia đình anh Ðỗ Ðức Sử, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) tham gia mô hình nuôi gà theo hướng liên kết với HTX chăn nuôi Ðiện Biên.
Gia đình anh Ðỗ Ðức Sử, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) tham gia mô hình nuôi gà theo hướng liên kết với HTX chăn nuôi Ðiện Biên.

Trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành của Công ty TNHH Thương mại Quang Lành trên địa bàn xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên là một trong những cơ sở điển hình trong chăn nuôi lợn áp dụng các quy trình liên kết theo hướng VietGAP với số lượng lợn thịt xuất chuồng đạt gần 12.000 con/năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1.000 tấn/năm. Ðể chăn nuôi đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu Công ty xác định con giống, thức ăn và công tác quản lý dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Công ty liên kết toàn bộ các khâu từ con giống đến đầu ra sản phẩm với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Cụ thể, trang trại sử dụng giống lợn cao sản gồm các giống Yorkshine, Landrace do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung ứng; chất lượng con giống được bảo hành trong suốt thời gian nuôi. Lợn giống khi đưa về trại được nuôi cách ly sau đó mới chuyển sang chuồng nuôi lợn thịt, đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 90 - 110kg. Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào - cùng ra”: Thức ăn cho lợn có trọng lượng từ 10 - 30kg được Công ty ký hợp đồng mua tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam với chất lượng đảm bảo dinh dưỡng. Giai đoạn lợn từ 30kg đến khi xuất bán sẽ sử dụng thức ăn sản xuất ngay tại trại nuôi theo hình thức phối trộn từ nguyên liệu ngô, thóc tại địa phương kết hợp với cám đậm đặc cho lợn thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam để tạo thành hỗn hợp thức ăn hoàn chỉnh đảm bảo các yêu cầu dinh dưỡng. Thức ăn sau khi phối trộn sẽ được chuyển sang máy ép viên để tạo viên cám giúp lợn ăn tốt hơn và tránh bụi. Với hình thức sử dụng thức ăn phối trộn đã giúp Công ty giảm được giá thành thức ăn đầu vào, từ đó cho lợi nhuận cao hơn. Ðặc biệt, khâu tiêu thụ sản phẩm, trang trại đã ký liên kết bao tiêu với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam; ngoài ra còn có các hợp đồng xuất lợn hơi sang nước bạn Lào với quy mô lớn.

Ði vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, Dự án trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành thực hiện liên kết theo quy trình VietGAP đã mang lại hiệu quả cao. 2 lứa lợn đầu tiên, đơn vị đã nhập khoảng 4.500 con lợn giống. Sau 3 tháng nuôi trọng lượng lợn đạt trung bình từ 95kg - 110kg/con, đã xuất bán hơn 465 tấn lợn, với giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/kg (giá lợn hơi năm 2018). Hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 3 tỷ đồng cho Công ty và đóng góp khoảng 400 - 500 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp. Ðặc biệt chăn nuôi theo hướng liên kết, tiêu chuẩn VietGAP còn nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thời gian diễn ra dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, trại lợn còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, cơ cấu vật nuôi theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Dự án Liên kết chăn nuôi và tiêu thụ vịt bầu an toàn sinh học năm 2019 đã được Phòng Kinh tế thành phố Ðiện Biên Phủ phối hợp cùng Công ty TNHH Phúc Khang Ðiện Biên triển khai thực hiện theo hướng liên kết “3 nhà” (nhà nông - nhà nước - doanh nghiệp). Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện cung ứng con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra và cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhà nước hỗ trợ kiểm định chất lượng và chi phí vận chuyển nhằm khuyến khích, phát triển, duy trì liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân; về phía nông dân đối ứng một phần chi phí giống và thức ăn chăn nuôi. Dự án có quy mô hơn 4.700 con vịt với sự tham gia của 99 hộ dân tại xã Thanh Minh và Tà Lèng (nay là xã Thanh Minh). Qua đánh giá thực hiện dự án, tỷ lệ vịt sống cao, nhiều hộ đạt tỷ lệ 100%; sau hơn 2 tháng nuôi, trọng lượng trung bình mỗi con vịt đạt trên 2kg/con. Ðến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã nhân rộng mô hình, tiếp tục duy trì và phát triển đàn vịt.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi theo hình thức liên kết mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với chăn nuôi theo cách truyền thống. Về đầu ra sản phẩm cũng như việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững. Vì vậy, những năm gần đây chăn nuôi theo hướng liên kết đang ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi thực hiện. Mới đây nhất, HTX Chăn nuôi Ðiện Biên được thành lập trên địa bàn xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) với 14 hộ tham gia dự án chăn nuôi, sản xuất giống gia súc, nuôi gia cầm… HTX có vai trò là cầu nối, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi cho các thành viên. Phương án sản xuất của HTX hướng đến mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nguồn tin: Thành Đạt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây