Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Nằm ven quốc lộ 4H, giao thông thuận lợi, xã Mường Toong có nhiều điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn xã chỉ giảm bình quân 1,38%/năm. Ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Ðến thời điểm này, xã Mường Toong mới đạt 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong đó, chủ yếu là các tiêu chí được Nhà nước hỗ trợ kinh phí như: Quy hoạch, y tế, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Ðể hoàn thành các tiêu chí còn lại, hiện xã đang gặp muôn vàn khó khăn, nan giải nhất là tiêu chí về hộ nghèo.
Lý giải về thực trạng này, ông Lù Văn Dũng chia sẻ: Xã có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi khô cằn, tỷ lệ người di dịch cư tự do cao, trình độ dân trí còn hạn chế; nhất là bà con vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, không muốn vươn lên thoát nghèo. Cho nên, dù được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, các chương trình dự án (Chương trình 30a, 134/CP, 135/CP, Ðề án 79...) nhưng bức tranh NTM của xã khá ảm đạm, nhất là sản xuất manh mún, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp, kinh tế luôn “giậm chân tại chỗ” dẫn tới việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, lương thực bình quân đầu người của xã đạt 322,11kg/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn ở mức cao (69,1%), nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo cao, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Vì thế, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% được xem là nhiệm vụ bất khả thi đối với cấp ủy, chính quyền xã.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dù đã rất nỗ lực, đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... đã đưa tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Nhé từ 74,02% (năm 2015) giảm xuống còn 62,43% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Tuy nhiên, để có thể cán đích NTM theo đúng lộ trình, nhất là cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé cần đề ra các giải pháp đồng bộ, những chủ trương trúng và đúng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó phải thay đổi nếp nghĩ của người dân cùng nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM (năm 2010) huyện Mường Nhé phải đối diện với nhiều khó khăn, bất cập; khi ấy tỷ lệ hộ nghèo của huyện ở mức cao. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một phần do nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế; nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho xây dựng NTM hạn hẹp chưa tương xứng với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi thiết yếu, hỗ trợ người nghèo sinh kế phát triển sản xuất.
Mường Nhé có xuất phát điểm rất thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính truyền thống, đặc trưng; liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; kinh phí dành cho phát triển sản xuất còn thấp, chưa đủ để tạo ra đột phá ở các xã vùng cao. Ðặc biệt, do chịu nhiều ảnh hưởng từ nạn di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là làm gia tăng dân số và hộ nghèo. Ðiển hình như một số xã vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% (Pá Mỳ, Huổi Lếch, Nậm Vì...).
Ðể giải “bài toán” hộ nghèo, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Mường Nhé phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 38,43%; có 2 xã đạt chuẩn, 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé xác định nhiệm vụ tiên quyết trong xóa đói giảm nghèo bền vững chính là triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
Huyện Mường Nhé tập trung đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, giải quyết việc làm, ổn định dân cư; tập trung quy hoạch đất ở, đất sản xuất để bà con có thêm tư liệu sản xuất. Ðồng thời, huyện cũng đẩy mạnh việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp, khởi nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM. Kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là xóa nhà tạm, nhà dột nát... Qua đó, khơi gợi tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững trong mỗi cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng khu dân cư, góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong lộ trình xây dựng NTM ở Mường Nhé.
Nguồn tin: Sẩm Phúc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn