Thông tin liên hệ
- 0215 3836 679
- nongthonmoidb@gmail.com
Nông thôn mới Điện Biên (Đã xem: 9 )
Từ trung tâm xã Sín Chải, men theo con đường nằm lọt thỏm giữa 2 vách núi dựng đứng, chúng tôi đến thôn Hấu Chua - “thủ phủ” chè cây cao cổ thụ của huyện Tủa Chùa. Dù đã 9 giờ sáng nhưng con đường dẫn vào thôn Hấu Chua sương mù vẫn dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế, khoảng cách chỉ 8km song chúng tôi mất gần 40 phút mới vào đến thôn.
Ðã hẹn trước, nên khi cán bộ khuyến nông xã dẫn chúng tôi đến nhà thì ông Hạng A Chư - chủ hộ có nhiều cây chè cổ thụ nhất xã đã đợi sẵn bên ấm trà nóng, tỏa hương thơm ngát. Ðúng như biệt danh “thủ phủ” chè cây cao, quanh nhà ông Chư và các hộ dân trong thôn không có cây gì khác ngoài cây chè. Cây chè mọc cao hơn cả mái nhà, đường kính thân từ 80 - 100cm như một vành đai “ôm trọn” cả thôn Hấu Chua.
Ông Hạng A Chư đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn khỏe, minh mẫn và nhanh nhẹn. Rót chén chè nóng mời khách, ông Chư kể: Rừng chè cổ thụ Sín Chải không rõ có từ thời gian nào, chỉ biết rằng đã nhiều thế hệ người dân Sín Chải gắn bó với cây chè. Trước đây, người dân đơn thuần chỉ sử dụng chè pha nước uống hàng ngày. Từ năm 2005 - 2008, do thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã có ý định chặt bỏ cây chè để canh tác cây ngô, lúa nương, tôi tiếc quá nên đã mua lại một phần. Hiện nay gia đình tôi có số lượng cây chè nhiều nhất xã với gần 500 cây. Năm 2008, tôi bắt đầu sao chè thủ công, bán sản phẩm chè khô tạo thu nhập cho gia đình. Mấy năm sau đó, huyện Tủa Chùa có chủ trương đưa Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên vào đầu tư, thu mua và chế biến chè. Những tưởng đây là bước đột phá, tạo cho sản phẩm chè Tủa Chùa chỗ đứng trên thị trường nhưng rồi mô hình thất bại, nhà xưởng bỏ không. Ðể người dân từ bỏ ý định phá bỏ cây chè, cũng là tăng thêm thu nhập cho gia đình, tôi và 2 con trai mở rộng quy mô xưởng, thu mua chè của tất cả bà con trong thôn để chế biến và bán chè thành phẩm. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu mua khoảng 2 - 3 tấn búp chè tươi chế biến được khoảng 4 - 5 tạ chè khô. Thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Từ năm 2008 đến nay, với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, sản phẩm chè cổ thụ Sín Chải đã trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn. Sau mô hình của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên, trên địa bàn xã Sín Chải có 2 hộ thu mua và chế biến chè cổ thụ, trong đó nhiều nhất là gia đình ông Hạng A Chư. Nguồn thu từ cây chè đã giúp 2 hộ trên có thu nhập cao, ổn định, kinh tế khá giả. Ðối với các hộ dân có cây chè cổ thụ cũng thêm phần thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trung thành với cây chè cổ thụ song càng ngày ông Hạng A Chư càng nhận thấy nhiều khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ rừng chè cổ thụ và phát triển các sản phẩm chè. Theo ông Chư, khó khăn lớn nhất hiện nay là công nghệ chế biến, bảo quản còn quá thô sơ, thủ công. Số lượng chè thu mua ngày càng lớn mà công nghệ kém, công suất thấp không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng chè. Hiện nay, tuy nói là 3 cha con cùng làm song chỉ mình tôi thành thạo kỹ thuật sao chè, thời điểm chính vụ tôi trở tay không kịp với 2 lò sao chè. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản chè thành phẩm chưa có. 100% sản phẩm chè sau chế biến được cho vào túi bóng, buộc kín và phủ ngoài một lớp bao tải rồi xếp vào kho, bán dần. 1 năm gần đây, tôi mới áp dụng việc hút chân không theo túi có trọng lượng 0,5 - 1kg, nhưng máy hút chân không phải đi thuê.
Liên quan đến quy trình chế biến chè thành phẩm, thời tiết cũng là một nhân tố rất quan trọng. Tại thôn Hấu Chua nhiều sương mù, có ngày sương sa như mưa phùn. Theo ông Chư thì những ngày mưa hoặc sương mù dày không nên thu hái chè. Bởi vì nếu không đủ nắng để phơi, búp chè vẫn còn ướt khi cho vào lò, thời gian sao chè sẽ kéo dài hơn bình thường và mất hương vị chè, chất lượng chè giảm.
Khoảng 2 năm gần đây, trên địa bàn xã Sín Chải có một số thương lái người Lào, Trung Quốc đến tìm mua chè với giá cao, cũng không yêu cầu cao về kỹ thuật thu hái. Nhìn vào thì thấy có vẻ lợi về kinh tế cho người dân, tuy nhiên theo ông Chư đánh giá, đây không phải là tín hiệu tốt và ông đã nhiều lần tuyên truyền người dân nên thận trọng. Ông Chư lý giải: Việc thương lái Trung Quốc, Lào thu mua chè với giá cao là tốt nhưng cách thức họ mua chè thì không tốt. Không tốt ở đây là không tốt cho cây chè. Bởi vì, từ trước đến nay người dân Sín Chải chỉ thu hái chè 1 tôm, 2 - 3 lá và chỉ thu 3/4 vụ đầu còn vụ thu hoạch sau cùng để cây chè phát triển, tạo búp cho vụ năm sau. Thế nhưng với những thương lái này thì chè 1 tôm, 5 - 6 lá cũng chấp nhận, đồng thời vận động người dân bán 4/4 vụ, thu mua cả khi chè ra hoa. Nếu khai thác theo hướng “tận diệt” như vậy, cây chè càng ngày càng lụi dần và chết hẳn. Ðể phát triển bền vững rừng chè cổ thụ thì phải giải quyết được vấn đề này, song để thay đổi nhận thức người dân không vì lợi trước mắt để phát triển lâu dài là thách thức không nhỏ.
Quá trình hơn 10 năm sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ, ông Hạng A Chư đã nhiều lần được UBND huyện Tủa Chùa, xã Sín Chải tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi mô hình, kỹ thuật trồng, chế biến, bảo quản chè tại các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ… Sau mỗi lần như thế, ông Chư luôn thôi thúc mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến tại địa phương để đưa sản phẩm chè Tủa Chùa lên tầm cao mới, có vị trí vững vàng hơn, chiếm thị trường rộng hơn.
Ông Chư chia sẻ: Về thăm các vùng chè Thái Nguyên, Phú Thọ, tôi mới thấy vùng chè Tủa Chùa quá nhỏ bé. Ở Tủa Chùa chỉ có mấy nghìn cây chè cổ thụ, phân bố rải rác tại các xã phía Bắc. Còn tại các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, vùng trồng chè rộng lớn, chúng tôi tham quan cả tuần mà vẫn chưa đi hết. Không chỉ có vùng nguyên liệu rộng lớn, các tỉnh đều có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến chè thành phẩm. Quy mô các nhà máy đều rất rộng, dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất rất lớn. Ở đấy, người ta sản xuất khép kín: Ðầu dây chuyền chế biến là nguyên liệu thô, đến cuối dây chuyền đã là sản phẩm được đóng bao bì, nhãn mác đầy đủ, đẹp mắt và vận chuyển đi tiêu thụ. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài nên giá trị cao. Có loại chè Thái Nguyên có giá 5 triệu đồng/kg, đời sống người trồng chè rất khá giả.
Nhấp ngụm chè đặc, ông Hạng A Chư nói lời gan ruột: “Tham quan, trải nghiệm thực tế sau đó nghĩ về địa phương mình, tôi ao ước chè Tủa Chùa một ngày nào đó sẽ đạt được thành công như các sản phẩm chè ở Thái Nguyên, Phú Thọ. Ðời tôi thì không thể rồi, nhưng hi vọng rằng các thế hệ tiếp theo ở Sín Chải, ở Tủa Chùa sẽ tiếp tục gắn bó với cây chè Shan tuyết cổ thụ. Chính quyền huyện, tỉnh sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững sản phẩm chè Tủa Chùa!”.
Nguồn tin: Phạm Trung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn