Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Tỉnh Điện Biên cần phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển cây mắc ca

Đó là ý kiến của đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc ngày 11/11 với UBND tỉnh về tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra Dự án phát triển cây mắc ca tại xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng).

Cây mắc ca được trồng thử nghiệm đầu tiên tại TP. Điện Biên Phủ từ năm 2003. Đến năm 2009, cây mắc ca tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua các chương trình, dự án và sau đó được người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng diện tích trồng trong những năm gần đây. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích 47.046ha, tổng vốn đầu tư là 8.812 tỷ đồng. Hiện nay đã trồng được 3.820ha mắc ca tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó: diện tích do doanh nghiệp đầu tư trồng 3.375ha và người dân trồng tự phát là 445ha. Từ năm 2015, một số diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đã cho thu hoạch. Từ đầu năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 84ha cây mắc ca cho thu hoạch quả, tổng sản lượng đạt 68 tấn. Trên địa bàn đã có 1 cơ sở sơ chế hạt mắc ca của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên với công suất chế biến khoảng 9 tấn/năm. Hiện tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Phú Thịnh đã làm việc, thống nhất dự kiến đặt nhà máy thu mua, chế biến mắc ca tại bản Na Há, xã Phu Luông (huyện Điện Biên). Định hướng phát triển cây mắc ca của tỉnh Điện Biên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy mô khoảng 120.487ha.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao tình hình phát triển cây mắc ca của tỉnh Điện Biên. Đồng thời đề xuất với UBND tỉnh và các doanh nghiệp một số nội dung, như: Cần rà soát lại vùng thích hợp nhất để phát triển cây mắc ca; phải thiết kế vườn trồng bậc thang, trồng cây mắc ca sát vào tà luy dương và giữ được thảm phủ; tập trung xử lý kỹ thuật uốn tỉa, xử lý cây khi ra hoa và có quy trình ghép cải tạo đối với những diện tích cây kém năng suất… Bên cạnh đó, phải thận trọng, tính toán kỹ khi đầu tư phát triển các dự án bởi vì suất đầu tư phát triển mắc ca khá cao, thời gian kiến thiết dài và phát triển phải phù hợp với định hướng và quy hoạch; xây dựng quy chế chặt chẽ về chính sách, cơ chế phát triển.

Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Điện Biên thời gian tới cần phát huy những tiềm năng, lợi thế về đất đai, quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người dân để phát triển cây mắc ca trên địa bàn. UBND tỉnh và các doanh nghiệp cần quan tâm đến quy trình kỹ thuật trồng cây mắc ca như: Hệ thống tưới, uốn tỉa tạo tán, phân bón và nhất là kiểm soát chặt chẽ về giống cây mắc ca, lựa chọn những bộ giống năng suất, chất lượng và phù hợp với thực tế địa bàn. Tỉnh Điện Biên và Hiệp hội Mắc ca cần quan tâm đến công tác chế biến và liên kết tiêu thụ quả mắc ca khi những năm tới nhiều diện tích mắc ca cho thu hoạch rộ. Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan trực thuộc tăng cường công tác quản lý nhà nước tổng thể về phát triển cây mắc ca.

Trước đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi thăm, kiểm tra thực tế dự án trồng mắc ca tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang (huyện Tuần Giáo); Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) và vườn ươm cây giống tại xã Sam Mứn (huyện Điện Biên).



 

Nguồn tin: Tin, ảnh: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây