Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Pú Nhung chuyển mình

Như một cơ duyên, những ngày trung tuần tháng 8 vang vọng hào khí cách mạng, chúng tôi có dịp trở lại quê hương Anh hùng Vừ A Dính (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo). Trải qua nhiều thập kỷ, đồng bào dân tộc Mông nơi đây luôn tự hào và làm theo tấm gương Anh hùng Vừ A Dính ra sức học tập, thi đua ái quốc, nỗ lực lao động, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Người dân bản Phiêng Pi (xã Pú Nhung) thu hoạch ngô.

Đưa chúng tôi đi một vòng qua các bản Đề Chia A, B, Chua Lú, Phiêng Pi, Trung Dình, Xá Tự, ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung phấn khởi giới thiệu những đổi thay mang tính đột phá của người dân Pú Nhung hôm nay. Ông Kỷ bảo: Trước đây, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực, cuộc sống chủ yếu là “tự cung tự cấp”; sản xuất manh mún, lạc hậu, kém hiệu quả, khiến cuộc sống của người dân nơi đây luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Đặc biệt, do trình độ, nhận thức hạn chế nên một bộ phận người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dẫn tới tỷ lệ nghèo đói cao (năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%).

Để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ngoài sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh (Chương trình 134/CP; 135/CP; nông thôn mới...); cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung sâu sát với cơ sở, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhất là đẩy mạnh vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế. Từ diện tích cây trồng truyền thống, đất bạc màu lớn, kém hiệu quả đến nay các bản của xã Pú Nhung đã chuyển đổi thành công sang cây trồng mới (cây dứa 45ha, năng suất đạt 43 tạ/ha, sản lượng đạt 1.935 tấn/vụ; cây mía 40ha, năng suất đạt 160 tạ/ha, sản lượng 640 tấn/vụ; cà phê 16,36ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha, sản lượng 98,16 tấn/vụ); 10ha cây ăn quả (xoài, bưởi). Anh Mùa A Sình, bản Phiêng Pi chia sẻ: “Để phát triển kinh tế, tôi đã cải tạo gần 5ha đất đồi hoang hóa sang trồng giống ngô ĐK888 mới. Đến nay, nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phân bón vào chăm sóc nên diện tích ngô phát triển tốt, năng suất ước đạt 30 tạ/ha, bán với giá thành cao đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định”.

Ngoài diện tích khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.100ha rừng để hưởng dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm xã Pú Nhung còn tích cực vận động người dân tự nguyện chuyển đổi diện tích đất đồi, đất dốc bạc màu, hoang hóa sang trồng mới hàng chục héc ta rừng sản xuất; không những góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể từ rừng (nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40,9%). Từ đó, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt lên 4.015,2 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 420kg thóc/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 37,5%.

Với phương châm “Học hỏi cách làm hay, vận dụng sáng tạo, hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn địa phương”, triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), cấp ủy, chính quyền xã Pú Nhung đã tổ chức tham khảo, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của một số địa phương trong và ngoài huyện. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư xã đã ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân: Đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, thủy lợi... Đến nay sau nhiều năm nỗ lực, diện mạo NTM xã Pú Nhung đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi đã và đang được xây dựng kiên cố (8/8 bản đã có đường bê tông đến tận bản; 6/8 bản có điện lưới quốc gia); xã đã cán đích 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM; phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025 cơ bản xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, từ địa bàn có tỷ lệ mù chữ cao, nay xã Pú Nhung đã có 3 trường học từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở (tổng số 908 học sinh ở cả 3 cấp học); trường lớp được đầu tư khang trang, kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Nhờ đó 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non; 100% số học sinh trong độ tuổi đều đến trường; tỷ lệ học sinh chuyển lớp hàng năm đều đạt 100%.

Kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Pú Nhung đã và đang viết tiếp trang sử hào hùng, kiến thiết xã ngày càng phát triển.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Sầm Phúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây