Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Mường Nhé đào tạo nghề gắn với thực tế sản xuất

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Mường Nhé đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn; hình thành mô hình sản xuất mang hiệu quả cao, giúp người dân có việc làm và ổn định cuộc sống.
Chị Lò Thị Hoàn, bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé áp dụng kiến thức học nghề vào chăm sóc, phát triển đàn gia súc.

Huyện Mường Nhé có gần 46.000 người, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 55% dân số. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động với nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó định hướng cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Hàng năm UBND huyện chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, lập danh sách người lao động có nhu cầu học nghề, ban hành kế hoạch và triển khai công tác đào tạo nghề đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện của lao động, sau đào tạo có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, những nghề có nhu cầu đăng ký và chủ yếu là: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; sửa chữa xe máy… Tổng số lao động nông thôn được đào tạo các cấp trình độ (từ đào tạo dưới 3 tháng đến cao đẳng) là gần 4.000 người. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề có trên 3.400 lao động có việc làm; trong đó số gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá giả đạt gần 600 hộ. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn huyện đạt khoảng 45% và lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở lên đạt khoảng 25%.

Cùng với tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế, công tác đào tạo nghề ở Mường Nhé còn giúp người học thay đổi nhận thức đối với công tác học nghề. Nếu như trước đây, nhiều người lao động tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ sinh hoạt phí thì đến nay cơ bản người lao động đã nhận thức rõ tham gia học nghề sẽ giúp họ có cách nhìn mới trong sản xuất, đa dạng ngành nghề, tận dụng tài nguyên đất đai và điều kiện sẵn có, thay đổi cách nghĩ, lối làm ăn cũ để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao.

Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt kết hợp đào ao thả cá của gia đình anh Vừ Trùng Phùa, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé là một trong những điển hình. Trước đây, gia đình anh Phùa thường chăn nuôi thả rông, thiếu kiến thức nên đàn lợn, cá thường hay ốm và chết, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2015 thông qua học lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, anh Phùa đã được trang bị kiến thức về chăm sóc và phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức được học vào thực tế, đến nay anh đã xây dựng khu chăn nuôi rộng khoảng 2ha; nuôi gần 50 con lợn (gồm lợn thịt, lợn giống); chuồng trại được xây dựng khép kín để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giúp cho vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Tổng thu nhập gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí đầu tư.

Theo ông Trần Việt Hòa, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trên địa bàn huyện qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 55% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở lên đạt 30%. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới huyện tăng cường huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa. Đồng thời việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được lồng ghép với các chương trình, dự án cụ thể; chương trình dạy nghề có nội dung, kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp để lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Văn Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây