Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Mường Nhé chú trọng khai hoang ruộng nước

Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được huyện Mường Nhé xác định là một trong những chỉ tiêu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nhằm mở rộng diện tích lúa nước, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo lương thực, ổn định đời sống cho nhân dân. Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang, nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống. Đồng thời thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa ruộng nước như: Chương trình 30a, Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa... Với Chương trình 30a, mỗi héc ta khai hoang người dân sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng, phục hóa được 10 triệu đồng. Đối với Nghị định 35/2015 thì mỗi héc ta khai hoang được hỗ trợ 10 triệu đồng, còn phục hóa là 5 triệu đồng.
Người dân xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé gieo cấy lúa nước trên diện tích đất khai hoang.

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, huyện tiến hành quy hoạch, xác định vùng khai hoang ở từng xã, bản để bà con biết; tránh tình trạng khai hoang vào đất rừng hoặc ruộng sản xuất hiệu quả thấp do thổ nhưỡng không phù hợp canh tác lúa ruộng, hay thiếu nguồn nước... Để ruộng mới khai hoang có tính ổn định, sản xuất bền vững, các xã hướng dẫn bà con nắm kỹ thuật cải tạo đất trước khi trồng lúa. Đồng thời, huyện quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; tăng cường quản lý, tu sửa, nạo vét kênh mương, đảm bảo sử dụng nguồn nước tưới hợp lý ở mỗi vụ sản xuất. Những chính sách trên đã mang lại những động lực tích cực, tạo ra phong trào khai hoang phục hoá rộng khắp trong huyện với hàng nghìn hộ dân đăng ký thực hiện.

Gia đình ông Mào Văn Đào, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé là một trong những hộ gia đình tích cực tham gia chương trình khai hoang ruộng nước. Năm 2020, gia đình ông đã khai hoang được 27 thửa đất, với tổng diện tích hơn 1,1ha. Sau khi được các cấp, các ngành nghiệm thu, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định, gia đình ông được hỗ trợ hơn 11 triệu đồng tiền khai hoang. Từ số tiền này, gia đình ông đầu tư, chăm sóc diện tích lúa và tiếp tục thuê máy móc, nhân công để mở rộng diện tích khai hoang. Nhờ đó, những năm gần đây, gia đình ông không thiếu đói mỗi khi giáp hạt.

Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Những năm gần đây, chính sách khai hoang, phục hóa của Nhà nước đã tạo động lực cho người dân tham gia. Riêng năm 2020, trên địa bàn xã có 61 hộ tham gia khai hoang ruộng nước đủ điều kiện hỗ trợ, tổng số 649 thửa đất khai hoang, với tổng diện tích hơn 17,5ha. Nhờ đó, diện tích đất trồng lúa nước tăng dần, đến nay toàn xã có hơn 200ha lúa nước (lúa 2 vụ). Diện tích lúa nước trên địa bàn xã ngày một tăng, cộng với việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa của xã tăng dần hàng năm, cơ bản đảm bảo lương thực cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Việc khai hoang ruộng bậc thang được người dân các xã quan tâm, thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, trước kia do chưa có cơ chế hỗ trợ, chưa có các phương tiện máy móc nên bà con chỉ thực hiện theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước cộng với nhiều hộ dân đi lao động ngoài tỉnh về có tiền thuê máy móc nên phong trào này phát triển mạnh. Từ đó, diện tích lúa nước trên địa bàn huyện ngày một tăng, cộng với việc đẩy mạnh đầu tư thâm canh đã góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa toàn huyện tăng dần hàng năm, cơ bản đảm bảo lương thực cho bà con. Bên cạnh đó, để đảm bảo khách quan, chính xác, huyện chỉ đạo chính quyền các xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình mở mới ruộng bậc thang, không cho khai hoang vào diện tích đất rừng và những nơi điều kiện thời tiết, nguồn nước không thuận.

Tính từ năm 2018 - 2020, toàn huyện Mường Nhé khai hoang gần 557ha, tập trung tại các xã: Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Toong, Leng Su Sìn, Nậm Vì, Mường Nhé. Đến nay, diện tích lúa nước trên địa bàn huyện đạt gần 1.300ha. Nhờ đó, nâng tổng sản lượng lúa nước toàn huyện lên gần 8.000 tấn (số liệu năm 2020), góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như giúp cho người dân có nguồn thu nhập, thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo.


 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Văn Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây