Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, tỉnh ta chú trọng xây dựng sản xuất theo chuỗi liên kết đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và tiêu thụ ổn định cho người dân.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ nguồn vốn theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 45) về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh, những năm qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình làm lồng nuôi thủy sản (cá lăng, cá tầm, cá chép giòn, cá trắm giòn) trên sông Đà tại địa bàn xã Tủa Thàng và xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) là một trong những điển hình. Tham gia mô hình, người dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời được bao tiêu sản phẩm. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 45, dự án liên kết nuôi cá rô phi đơn tính tại hồ Hồng Sạt (huyện Điện Biên) do Hợp tác xã thủy sản Hương Phú chủ trì liên kết mang lại hiệu quả. Mỗi hộ dân tham gia dự án đóng góp đối ứng 10 triệu đồng; 19 hộ tham gia nuôi chung trong 4 lồng; cử 1 người đại diện trông coi, bảo vệ, chăm sóc; các hộ được hỗ trợ 50% chi phí thức ăn nổi và thuốc thú y, 70% chi phí mua cá giống. Qua đánh giá, dự án triển khai phù hợp với trình độ sản xuất của người dân địa phương; cá sinh trưởng tốt. Sản phẩm được đơn vị chủ trì liên kết bao tiêu.

Theo thống kê, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 39 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó riêng năm 2020 xây dựng, thực hiện 21 dự án liên kết mới (12 dự án lĩnh vực trồng trọt, 9 dự án lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản) và 12 dự án tiếp chi từ năm 2019. Đến nay đã hình thành một số dự án liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm như: Gạo séng cù, chè Shan tuyết, cá rô phi đơn tính, rau an toàn (su su, khoai sọ, bí đỏ)… Đồng thời thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện các dự án liên kết. Các dự án liên kết đã dần đi vào xu thế liên kết bền vững, phát triển các đối tượng cây con dài ngày, có giá trị kinh tế cao; nâng cao trình độ sản xuất của người dân, trình độ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn theo Quyết định 45, dự kiến toàn tỉnh thực hiện các nội dung hỗ trợ gồm 37 dự án liên kết mới (23 dự án liên kết trồng trọt; 14 dự án liên kết chăn nuôi - thủy sản) và 19 dự án chuyển tiếp (9 dự án chuyển tiếp lĩnh vực trồng trọt, 9 dự án chuyển tiếp lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản). Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ các điều kiện của dự án liên kết trước khi thực hiện, kiên quyết không lựa chọn, hợp tác với chủ liên kết hạn chế về năng lực, tiềm lực. Đồng thời, rà soát, bổ sung điều kiện, đảm bảo tính chặt chẽ, ràng buộc giữa các bên liên quan đối với dự án liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm để dự án được thực hiện thông suốt, hiệu quả.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Thành Đạt

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây