Kỳ vọng các mô hình xóa đói giảm nghèo ở Tủa Chùa
- Thứ tư - 15/09/2021 08:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ nguồn vốn được phân bổ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa đã triển khai 3 dự án: Dự án liên kết ngô lai 885 (34ha) với kinh phí 371,2 triệu đồng thực hiện tại thị trấn Tủa Chùa, xã Tủa Thàng; dự án liên kết mắc ca (25,5ha) kinh phí 995,1 triệu đồng thực hiện tại xã Xá Nhè; mô hình liên kết lúa TBR225 và Bắc thơm số 7 (52ha) kinh phí 798,5 triệu đồng thực hiện tại thị trấn Tủa Chùa.
Các dự án được thực hiện theo phương thức liên kết hợp tác giữa đơn vị chủ trì liên kết và người dân. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp; trong quá trình sản xuất được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát đầu vào, chăm sóc theo quy trình, đầu ra sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ ổn định. Qua đó giúp tăng cường năng lực tiếp thu và áp dụng kỹ thuật của người dân trên địa bàn phạm vi dự án. Đồng thời từng bước đưa các sản phẩm lúa TBR 225, Bắc thơm số 7, ngô lai 885 trở sản phẩm hàng hóa; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi được giao vốn, Phòng đã khảo sát nhu cầu của các chủ thể kinh tế trên địa bàn và tham mưu cho UBND huyện lựa chọn triển khai hỗ trợ theo đúng quy định. Các dự án triển khai năm 2021, khi người dân tham gia vào các dự án với phương thức liên kết hợp tác sẽ được đảm bảo ổn định đầu ra. Sau một thời gian triển khai, các mô hình, dự án bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập (dự ước tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha), trình độ sản xuất cho người dân, đồng thời hình thành nhiều mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Dự án trồng thử nghiệm 25,5ha mắc ca được triển khai tại xã Xá Nhè theo phương thức liên kết giữa đơn vị chủ trì và người dân. Những hộ tham gia được hỗ trợ đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kiểm soát đầu vào và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. So với việc trồng luân canh các cây trồng lúa nương, ngô, khoai, sắn thì trồng cây mắc ca có giá thu mua theo giá bảo hiểm là 25.000 đồng/kg. Theo hạch toán kinh tế dự kiến từ năm thứ 5 cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, năm thứ 6 - 7 trở đi sẽ cho thu hoạch ổn định, mỗi năm (trừ chi phí thuê khoán, công chăm sóc) trung bình mỗi héc ta người dân thu 40 - 70 triệu đồng.
Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết: Các mô hình, dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn xã, đặc biệt là dự án trồng mắc ca được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tham gia vào dự án còn giúp người dân thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất; được chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, thu nhập.