Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Sau thời gian tạm lắng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tái phát tại TP. Điện Biên Phủ, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đàn lợn. Để kiểm soát dịch, bên cạnh sự nỗ lực dập dịch của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp thì việc tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn trong chăn nuôi vẫn là giải pháp hiệu quả nhất.
Cán bộ thú y xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) phun thuốc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi trên địa bàn.

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ, tính từ ngày 20/4 đến ngày 27/7, thành phố có 142 hộ tại 28 thôn, bản của 7 xã, phường tái phát DTLCP. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 276 con, với tổng trọng lượng hơn 14 tấn; tập trung tại các xã: Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan là do tác động của bệnh DTLCP trong các năm 2019 và 2020, khiến đàn lợn bị sụt giảm nghiêm trọng; khi dịch bệnh xảy ra người chăn nuôi không khai báo dịch, bán chạy, tự ý giết mổ lợn ốm đưa ra thị trường tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, người dân đã tái đàn, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học làm lây lan dịch bệnh…

Xã Nà Tấu hiện có tổng đàn lợn là 4.350 con và là địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi khi DTLCP tái phát lây lan khá nhanh. Từ ngày 27/4 đến nay, dịch xảy ra tại 5 bản, 43 hộ chăn nuôi, tiêu hủy 78 con lợn mắc bệnh, trọng lượng tiêu hủy 4.785kg. Anh Lò Văn Thiện, cán bộ thú y xã Nà Tấu cho biết: DTLCP xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng yêu cầu chăn nuôi theo quy định, một số hộ tận dụng thức ăn thừa cho lợn mà không qua xử lý nhiệt và ý thức chăn nuôi của một số hộ dân kém nên dẫn đến dịch bệnh.

Ngay sau khi xuất hiện dịch, trong Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc vừa qua, Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố đã cấp 170 lít hóa chất cho UBND xã Nà Tấu chỉ đạo lực lượng tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và khu vực xung quanh theo quy định, đồng thời triển khai điều tra, giám sát, kịp thời xử lý khi đàn lợn của các hộ nuôi có dấu hiệu dịch bệnh.

Còn tại xã Thanh Minh, nơi có ổ dịch tái phát đầu tiên tại bản Phiêng Lơi vào ngày 20/4, chính quyền xã đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khoanh vùng, dập dịch. Đặc biệt là đẩy mạnh vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường; khẩn trương tiêu hủy lợn chết, xử lý các ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống DTLCP. Nhờ sự chủ động, tích cực vào cuộc, DTLCP xảy ra trên địa bàn xã đã cơ bản được kiểm soát. Hiện xã Thanh Minh là 1 trong 3 địa bàn có khối lượng lợn tiêu hủy thấp nhất trong 7 xã, phường bị tái dịch.

Bà Chu Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố cho biết: Trước diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Trung tâm đã và đang phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ổ dịch để đưa ra biện pháp khoanh vùng dập dịch; cung cấp hóa chất cho các địa phương để tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền đến người dân tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với địa bàn chưa có dịch, Trung tâm phân công cán bộ tăng cường nắm tình hình, phối hợp với chính quyền cơ sở theo dõi sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các giải pháp an toàn sinh học; xây dựng phương án và sẵn sàng các giải pháp ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

“Việc người chăn nuôi khai báo kịp thời, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với chính quyền địa phương và cơ quan thú y là giải pháp quan trọng nhất, có tính chất quyết định đến hiệu quả phòng, chống dịch” - bà Chu Thị Mai nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp chống dịch bệnh, trong đó chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời đối với lợn mắc bệnh, tránh lây lan; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Minh Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây