Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Thứ hai - 01/11/2021 10:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền đã huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đầu tư phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau màu trên diện tích đất lúa nương, đất ruộng một vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả.
Năm 2019, gia đình ông Lò Văn Tương, bản Na Phay, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) đã chuyển đổi một phần diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cam, xoài, bưởi). Từ trồng thử nghiệm 100 gốc cam, bưởi, xoài ban đầu, đến nay, gia đình ông Tương đã mở rộng phát triển lên hơn 500 gốc cam, bưởi, xoài. Ông Tương cho biết: Quá trình trồng lúa nương, năng suất không cao, sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về mô hình trồng cam, bưởi, xoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa nương, sau đó, gia đình đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Bước đầu, mô hình đang phát huy được hiệu quả. Kết hợp với chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Theo thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020 là 1.844ha. Diện tích được chuyển đổi trên đất lúa nương 1.396ha; diện tích chuyển đổi trên đất trồng cây màu hàng năm là 444ha; chuyển đổi trên đất ruộng một vụ là 4ha. Cụ thể, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là 817ha, các loại cây ăn quả chuyển đổi như: cây dứa, bưởi, xoài, nhãn... được trồng nhiều ở các huyện: Mường Chà, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ; diện tích chuyển đổi sang trồng cây làm thức ăn gia súc là 380ha, cây trồng chuyển đổi là cỏ voi; diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác là 647ha, cây được lựa chọn chủ yếu là: Mía, dược liệu, khoai sọ.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nương, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao bước đầu giúp người dân ổn định thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên. Cụ thể, đối với các diện tích được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch là 300ha, các loại cây trồng như: Dứa, xoài, mận, đào, cam... năng suất ước đạt 98,57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.966 tấn. Hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa nương, thu nhập bình quân 200 - 300 triệu đồng/ha/năm. Diện tích chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (cỏ voi) hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha/năm so với trồng lúa nương. Diện tích chuyển đổi sang các cây trồng khác (cây dong riềng), năng suất trung bình 650 tạ/ha, sản lượng ước đạt 25.472 tấn, thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa nương, cây màu hàng năm.
Nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành được các vùng trồng cây ăn quả tập trung như vùng trồng xoài, bưởi, cam, chanh leo tại huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, vùng trồng dứa tại huyện Mường Chà, Tuần Giáo... Nhận thức của người dân có sự chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định cho người dân, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Tổng thu nhập trên diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch tăng từ 50 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa nương và cây màu kém hiệu quả (tùy theo loại cây trồng).