Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó

Từ đầu năm đến nay, giá các loại phân bón đồng loạt tăng cao khiến sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng, người nông dân phải cân nhắc, tính toán lại khi đầu tư sản xuất.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra giá phân bón tại cơ sở kinh doanh phân bón Hai Thảo.

Theo khảo sát của phóng viên trên thị trường TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, mặt hàng phân bón nông nghiệp đang có mức giá tăng cao nhất từ trước đến nay, nhất là giá phân đạm. Từ thời điểm vụ đông xuân đến nay, giá phân đạm đã tăng 30%; kali, NPK tăng 10%.

Chị Mạch Thị Phương Thảo, chủ cơ sở kinh doanh phân bón Hai Thảo, huyện Điện Biên cho biết: Các loại phân bón bắt đầu tăng giá từ đầu năm và tăng mạnh 2 tháng gần đây. Hiện nay, phân bón tăng từng ngày chứ không phải theo chu kỳ tháng hay nửa năm như những năm trước đây. Hôm nay nhập phân đạm giá 10.000 đồng/kg thì ngày mai đã tăng lên 10.800 đồng/kg. So sánh với cùng kỳ năm 2020, giá phân bón đang tăng cao hơn khoảng 40%. Năm 2020, đại lý chúng tôi nhập phân đạm với mức giá 7.500 đồng/kg nhưng năm nay giá nhập lên tới 11.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng cao đột biến trong thời gian qua là do giá nguyên, nhiên liệu sản xuất tăng; bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng làm chi phí vận chuyển tăng theo. Nguồn nguyên liệu của một số loại phân bón phụ thuộc vào nhập khẩu nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nguyên liệu nhập khẩu không đều dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Giá phân bón tăng cao nên người dân cũng e dè hơn trong đầu tư sản xuất. Theo thống kê nhanh của đại lý, 2 tháng gần đây, sản lượng phân bón bán ra giảm so với cùng kỳ những năm trước. Trước khó khăn chung của cả bên cung ứng và người sản xuất, chúng tôi đã chủ động hạ giá một số sản phẩm ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nông dân và kích cầu tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Hồng, đội 3, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Người nông dân giờ sản xuất khó khăn lắm. Lúa đông xuân thu về chưa bán được vì giá lúa đang thấp hơn so với mọi năm. Trong khi đó sản xuất vụ mùa lại đúng dịp giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao. Theo tính toán thì vẫn có lãi một ít nhưng trong đó chưa tính công lao động của 3 - 4 người trong gia đình trong thời gian 4 tháng/vụ lúa. Coi như lấy công làm lãi. Vụ này, giá phân bón tăng cao nên tôi sử dụng dè chừng hơn trước đây bón 10 phần thì nay chỉ bón 8 phần thôi.

Giá phân bón tăng cao đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, người nông dân đang thắt chặt chi phí đầu tư cho sản xuất để đảm bảo lợi nhuận cuối mùa vụ. Song, việc chặt chẽ trong đầu tư sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nông sản.

Hiện nay, Hợp tác xã Dứa Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) có trên 400ha dứa với khoảng 92 hộ thành viên. Thời điểm này, người dân đang tập trung bón thúc để thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển của cây dứa. Tuy nhiên, giá phân bón tăng cao nên nhiều hộ dân giảm phân bón so với trước.

Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Dứa Na Sang cho biết: Nhiều năm nay, Hợp tác xã luôn là đơn vị trung gian để cung cấp, phân phối phân bón cho các hộ trồng dứa trên địa bàn. Năm 2020, giá phân bón bán ra tại hợp tác xã là 4.300 đồng/kg nhưng năm nay giá tăng lên 5.800 đồng/kg. Do đó, đến thời điểm này có khoảng 35% hộ thành viên hợp tác xã đã giảm lượng phân bón cho cây dứa. Trước đây, 1ha dứa người dân bón 8 - 9 tấn phân nhưng nay chỉ dùng khoảng 6 tấn. Giá phân bón tăng cao nên người dân lo ngại không có lãi ở cuối vụ nên đã điều chỉnh mức đầu tư. Tuy nhiên, sự điều chỉnh đột ngột như vậy sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng dứa. Với những hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết, việc trọng lượng quả dứa giảm sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm cuối vụ.

Ông Lý A Hành, bản Na Sang, xã Na Sang cho biết: Năm 2021, gia đình tôi mở rộng thêm 4ha dứa, nâng tổng diện tích lên 8ha. Diện tích tăng, giá phân tăng cao nên chi phí đầu tư đội lên quá cao so với dự toán, khả năng tài chính gia đình không thể đáp ứng đủ nên tôi phải tính toán giảm 25% lượng phân bón so với năm ngoái. Vẫn biết sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả dứa song trong điều kiện hiện tại tôi không dám mạo hiểm.

Để vượt qua cơn “bão giá” các loại phân bón, nông dân cần căn cứ tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc “5 đúng” (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Các ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá lên cao; khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bà con giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Phạm Trung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây