Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Điện Biên

http://nongthonmoi.dienbien.gov.vn


Đa dạng mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học, công nghệ

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã tích cực triển khai các mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đa dạng mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học, công nghệ

Trung tuần tháng 9, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã tiến hành hội thảo tham quan mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa). Sau 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình 1.500 con vịt bầu đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Về hiệu quả kinh tế, sau 10 tuần tuổi nuôi, lứa vịt đạt tỷ lệ sống 97,3%, trọng lượng bình quân mỗi con 2,3kg, với tổng số tiền lãi của các hộ ước đạt 54 triệu đồng.

Là 1 trong 15 hộ dân tham gia mô hình, gia đình chị Liềm Thị Nhung, thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng được Trung tâm giao 100 con vịt bầu và đầu tư 100% giống, thức ăn và thuốc thú y; đến nay, đàn vịt của gia đình chị phát triển và sinh trưởng tốt. Chị Nhung cho biết: Sau khi được tham gia mô hình, tôi đã học hỏi thêm nhiều kiến thức về chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi như tiêm vắc xin, khử trùng chuồng trại, không xả thải ra môi trường… Mong rằng trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân trong xã.

Đánh giá về mô hình triển khai tại địa bàn, anh Lò Văn Sâu, cán bộ khuyến nông xã Tủa Thàng cho biết: Mô hình đã giúp thay đổi nhận thức của bà con nông dân, từ phương thức chăn nuôi truyền thống, chủ yếu là thả rông, chuyển sang phương thức chăn nuôi bán chăn thả, có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động phòng dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Qua đó, tạo động lực cho người dân phát triển chăn nuôi, tăng quy mô đàn, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chuyển từ tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã triển khai nhiều dạng mô hình cơ giới hóa ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, như mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), mô hình trồng thâm canh cây giổi xanh tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), mô hình chăn nuôi bò sinh sản thâm canh tại huyện Điện Biên, mô hình chăn nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)... Thực tế triển khai cho thấy, các mô hình đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi được Trung tâm xây dựng theo hướng an toàn sinh học đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, giúp chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại. Các mô hình thủy sản đã đưa các giống mới vào nuôi trồng, quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng các chế phẩm sinh học đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, qua đó khuyến khích các hộ gia đình có sự đầu tư lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Việc đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời là cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.



 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Châu Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây